Giáo dục con người phát triển toàn diện

Chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015 sẽ hướng tới mục tiêu giáo dục con người phát triển toàn diện, vừa đáp ứng yêu cầu xã hội, vừa phát triển cao nhất khả năng của mỗi cá nhân.


Tích hợp để phát triển toàn diện


Theo PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Thường trực Ban soạn thảo "Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông sau 2015" (Bộ GD - ĐT), nội dung đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông sẽ được thiết kế theo hướng tích hợp cao ở lớp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học trên, nhằm phát triển nhân cách toàn diện cho học sinh.

 

Giáo viên hướng dẫn học sinh lớp 3 trường Tiểu học A Yên Đồng, huyện Ý Yên, Nam Định làm bài tập môn Toán. Quý Trung – TTXVN


Theo đó, ở bậc tiểu học, các môn học sẽ được tích hợp nhiều lĩnh vực như tìm hiểu tự nhiên và tìm hiểu xã hội của SGK tiểu học hiện hành, đồng thời được bổ sung và điều chỉnh một số nội dung cho phù hợp với nhu cầu của học sinh hiện nay.


Ở bậc THCS, môn khoa học tự nhiên sẽ được tích hợp chủ yếu từ các môn lý, hóa, sinh, khoa học về trái đất, trên cơ sở sắp xếp các chủ đề của mỗi môn học gần nhau, nhằm liên hệ lẫn nhau. Bên cạnh đó, sẽ có thêm một số chủ đề yêu cầu vận dụng kiến thức tổng hợp (chủ đề liên môn). Còn môn khoa học xã hội được chủ yếu tích hợp từ các môn lịch sử, địa lý và một số nội dung về kinh tế, xã hội và cũng được thiết kế tương tự như môn khoa học tự nhiên.

Theo Bộ GD - ĐT, cấu trúc của chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015 sẽ chia 2 giai đoạn.

- Giai đoạn 1:

Giáo dục cơ bản 9 năm (gồm cấp tiểu học và THCS) tập trung hình thành nhân cách công dân với học vấn phổ thông cơ bản, tạo điều kiện để người học có thể học lên cao hoặc đi làm.

- Giai đoạn 2:

Giáo dục THPT (lớp 10, 11, 12) hướng tới hoàn thiện nhân cách công dân cùng với yêu cầu phát triển năng lực phù hợp với năng khiếu và sở thích cá nhân, định hướng nghề nghiệp trên cơ sở tiếp tục nâng cao kiến thức, kĩ năng ở một số lĩnh vực/môn học chuyên biệt... từ đó có định hướng nghề nghiệp.


Ở THPT, do lớp 10 là giai đoạn “dự hướng” (định hướng cho học sinh), nên các môn học được tích hợp ở THCS sẽ lại được tách thành các môn học độc lập: Vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý... tương tự như hiện nay, nhưng tăng yêu cầu vận dụng kiến thức vào giải quyết các tình huống cuộc sống, nhằm giúp học sinh làm quen và chuẩn bị lựa chọn các nội dung sẽ học ở lớp 11 và lớp 12.


Theo đại diện Ban soạn thảo, do giai đoạn lớp 11 và 12 là giai đoạn phân hóa sâu, định hướng nghề nghiệp, nên chương trình và sách giáo khoa các môn học sẽ có nội dung giảm nhẹ hơn hiện nay, đồng thời phân thành những môn học bắt buộc và những môn tự chọn. Mặt khác, sẽ có các chủ đề tự chọn chuyên sâu hoặc mở rộng theo từng môn và có thêm các chuyên đề tự chọn khác theo một số lĩnh vực, ngành nghề mà học sinh sẽ học sau THPT.


Tăng môn tự chọn


Với đề án đổi mới này, hệ thống môn học và hệ thống giáo dục sẽ được chia thành hai loại: Bắt buộc và tự chọn. Mỗi lớp học sẽ có các môn, các hoạt động giáo dục bắt buộc và tự chọn. Theo đó, đối với lớp 1 và lớp 2, các môn học bắt buộc được kiến nghị gồm: 3 môn tiếng Việt, Toán, tìm hiểu tự nhiên và xã hội (tích hợp trong môn Đạo đức). Bên cạnh đó là các hoạt động giáo dục gồm: Thể dục, Âm nhạc, Mỹ thuật (tích hợp trong môn Thủ công). Các môn tự chọn gồm: Tự học có hướng dẫn, đọc văn, Nghệ thuật.


Ở lớp 3, các môn học bắt buộc sẽ là: Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ 1, Đạo đức, Tìm hiểu tự nhiên và xã hội. Các hoạt động gồm Thể dục, Âm nhạc, Mỹ thuật (tích hợp trong môn Thủ công), tập thể. Lớp 4 và 5 gồm 6 môn bắt buộc và nhiều hoạt động giáo dục khác.


Còn với cấp THCS, chương trình đổi mới sau 2015 sẽ gồm các môn bắt buộc: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Khoa học tự nhiên (Vật lí, Hóa học, Sinh học, Khoa học trái đất, Chủ đề liên môn), Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lí, Kinh tế, Xã hội, Chủ đề liên môn), Giáo dục công dân, Công nghệ. Các môn tự chọn gồm: Ngoại ngữ 2, một số chủ đề Văn học, Toán, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội, Nghệ thuật, thể dục, thể thao...


Với cấp THPT, định hướng các môn học bắt buộc của lớp 10 sau đổi mới sẽ gồm 11 môn và 2 chuyên đề tự chọn chuyên sâu các môn Ngữ văn, Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí, Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học..., môn Ngoại ngữ 2.


Đối với lớp 11, lớp 12, các môn bắt buộc gồm 3 môn: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1; HS tự chọn bắt buộc 3 môn trong các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí, Tin học, GDCD, Công nghệ, Xã hội học. Tự chọn tùy ý một số môn chuyên đề mở rộng chuyên sâu thuộc các lĩnh vực: Văn, Toán, Vật lý, Hóa, Sinh, Lịch sử, Địa lý, Tin học, Công nghệ, Môi trường, Thể dục, Thể thao, Âm nhạc, Mĩ thuật, Kinh tế và Kinh doanh, Nghề…; môn Ngoại ngữ 2.


Theo PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ giảm số môn học bắt buộc, tăng số môn học, chủ đề và hoạt động giáo dục dành cho HS tự chọn. Việc tăng môn tự chọn sẽ góp phần khuyến khích, tạo cơ hội cho HS lựa chọn những môn học yêu thích, đáp ứng nhu cầu, hứng thú, khuynh hướng chọn nghề của HS.


Thu Trang - Lê Vân

Bà Nguyễn Thị Hạnh (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam):

Cần quy định rõ việc đăng ký các môn tự chọn

Theo tôi, trong chương trình tự chọn của lớp 11 và 12 cần có quy định rõ, HS cần đăng ký các môn học theo bao nhiêu % là môn tự nhiên và bao nhiêu % là môn xã hội, để tránh việc học sinh chỉ đăng ký các môn tự nhiên hoặc môn xã hội, sẽ dẫn đến tình trạng học lệch và thiếu kiến thức cơ bản.

 

Ông Nguyễn Hà Thanh (Khoa toán, ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh):

 Giáo viên đóng vai trò then chốt trong đổi mới

Trong quá trình đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, giáo viên đóng vai trò hết sức quan trọng. Vì vậy cần chú trọng đến khâu đào tạo và nâng cao chất lượng giáo viên. Bên cạnh đó, việc đổi mới đánh giá học sinh và thi cử cũng rất cần thiết.

 

TS. Nguyễn Thị Lan Phương (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam):

Công nhận tốt nghiệp THPT trên cơ sở kết hợp kết quả học và kết quả thi

Phương án tổ chức thi và công nhận tốt nghiệp THPT mới liên quan trực tiếp đến ba khâu chủ yếu là đánh giá kết quả học tập trong quá trình giáo dục, đánh giá kết quả thi tốt nghiệp và cách thức công nhận tốt nghiệp. Điểm tổng thể xét tốt nghiệp THPT cần tính đến: kết quả quá trình học, kết quả thi và sự ưu tiên cho nhóm đối tượng bị thiệt thòi về điều kiện sống, việc làm bài thi không bằng tiếng mẹ đẻ, cũng như khuyến khích những học sinh đạt thành tích xuất sắc trong các hoạt động xã hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN