Trẻ em ngày nay được giáo dục rất tốt về lý thuyết ở trường học, ngay từ lúc đi học mẫu giáo, bậc tiểu học, trung học cơ sở... về ý thức, hành động trong việc bảo vệ môi trường sống, mà hành động sơ khai đơn giản nhất đó là việc xả rác! Các thầy cô giáo thường dạy dỗ các bé, việc xả rác bừa bãi nơi công cộng là hành động không đẹp, thiếu văn hóa để dăn các em. Chẳng vậy, dẫu còn nhỏ, và đại đa số các em đều chưa hiểu sâu xa tác hại của rác thải với môi trường sống, nhưng hầu hết trẻ đều tự ý thức được hành động xả rác bừa bãi là xấu.
Về lý thuyết các bé được giáo dục, được trang bị ở trường là vậy, nhưng ở nhà, ngoài xã hội thì sao? Quả là tại nhiều gia đình, nhiều người lớn, nhất là cha mẹ các em vẫn còn chưa gương mẫu trong ý thức bảo vệ môi trường, khi vẫn vô tư xả rác bừa bãi, mà đáng lẽ ra họ phải là những người làm gương để con trẻ làm theo, noi theo. Chính những hành động xả rác có ý thức, đối xử với môi trường sống có trách nhiệm của cha mẹ các em, của những người trưởng thành nói chung, được coi là phần “thực hành” của các em, bởi bấy lâu những truyền đạt của thầy cô ở trường chỉ là lý thuyết, chứ chúng đâu đã nhìn thấy thực tế người ta xả rác như thế nào là thiếu văn hóa, là không đẹp...
Vì vậy, ngoài việc gương mẫu không được xả rác bừa bãi, cha mẹ các em phải là những người cùng với thầy cô ở trường luôn trang bị giáo dục các em có ý thức trong việc bảo vệ môi trường. Khi đi ra ngoài đường cùng trẻ, thấy một hành động nào không đẹp, không đúng về việc xả rác nói riêng, cũng như đầu độc môi trường nói chung, thì nên chỉ và nói cho trẻ hiểu: làm như thế là không tốt! Khi lớn lên con sẽ không bao giờ được làm như vậy đâu nhé...!
Đại đa số các em nhỏ trong độ tuổi chưa trưởng thành ở nước ta đã và đang hình thành ý thức rất cao trong việc bảo vệ môi trường sống. Thế nhưng, còn rất nhiều người lớn vẫn giữ thói quen xấu, luôn thể hiện những hành động thiếu ý thức khi xả rác bừa bãi. Nhìn sang các nước phương Tây mà chạnh lòng, khi ý thức của họ cực cao trong việc đối xử với môi trường sống, mà điều nhỏ nhất được thể hiện, rất hiếm khi có cảnh công dân của họ đi đâu xả đó, bạ đâu vứt rác ở đó...
Để thế hệ công dân tương lai của nước ta cũng có ý thức cao như họ, trong việc bảo vệ môi trường thì bắt buộc chúng ta phải giáo dục thật tốt thế hệ trẻ ngay từ lúc các em chập chững vào đời. Muốn có một thế hệ công dân như vậy, thiết nghĩ các gia đình cũng cần phải nỗ lực, phải nghiêm túc kết hợp trang bị giáo dục ý thức cho các em trong việc bảo vệ môi trường, chứ đừng phó mặc cho thầy cô giáo ở trường...