Con gái tôi đang học lớp mười hai lớp cuối cấp phải lo học hành thi cử. Rồi một chuyện động trời xảy ra- có cô nữ sinh trong lớp phải đi lấy chồng vì... bác sĩ bảo phải cưới ngay. Nghe con gái kể chuyện bạn tôi giật mình. Trong đầu tôi lúc này đặt ra hàng loạt câu hỏi: Tại sao cô bé ấy lại quyết định lấy chồng vào thời điểm vẫn còn cắp sách tới trường? Lấy chồng rồi cháu có đi học nữa không? Lấy chồng tuổi đó làm sao đủ chín chắn để làm tốt vai trò của con dâu, vợ và sắp tới là mẹ? Liệu cháu có thể mang lại cuộc sống hạnh phúc cho bản thân mình và gia đình nhỏ?
Những câu hỏi của tôi lập tức gặp phải sự phản ứng của cô con gái. Cháu rành rọt bảo tôi: “Mẹ ơi, sao mẹ cổ hủ thế, lấy chồng thì vẫn đi học được chứ sao. Bạn ấy sẽ vẫn tới lớp mà. Mà đã có “kết quả” rồi thì phải cưới ngay thôi mà mẹ”. Tôi hiểu “kết quả” đó chính là “hậu quả” của việc yêu sớm mà bản thân cô bé ấy và bạn trai lại thiếu hiểu biết về các biện pháp phòng tránh thai.
Cũng từ đây, tôi đâm lo cho sự “an toàn” của con gái. Rõ ràng là khi sống trong một môi trường như thế, các cháu ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng. Tôi lại càng lo hơn khi nhìn lại và thấy rằng mẹ con tôi bấy lâu chỉ trao đổi với nhau chuyện học hành thi cử. Các vấn đề liên quan đến chuyện yêu đương và hậu quả của việc yêu sớm chưa từng xuất hiện trong những cuộc trò chuyện giữa tôi và con gái. Mà cũng phải thú thực là với tôi, đây vẫn là những chuyện cấm kị với con.
Thế nhưng, nay ở lớp cháu xảy ra sự việc trên nên tôi cũng muốn trao đổi với con về đề tài tế nhị này nhưng thấy khó quá vì không biết phải bắt đầu như thế nào.
N.M.H (Hà Nội)
Có lẽ chị là người hơi bảo thủ chăng khi giữa thời đại bùng nổ thông tin với những hình ảnh yêu đương tràn ngập trên Internet, phim ảnh, sách báo thì chị vẫn cho rằng, tình yêu, tình dục là chuyện cấm kị với học sinh lớp mười hai. Xét về tâm sinh lý, thì con gái chị tuy chưa thành người lớn thực thụ nhưng chắc chắn cháu không còn là trẻ con. Vậy thì chẳng còn lý do nào để chị phải đắn đo, lưỡng lự khi nói chuyện với con về chuyện này. Tất nhiên, không chỉ có riêng chị mà rất nhiều các bậc phụ huynh khác cũng cảm thấy rất mắc cỡ khi nói với con về chuyện tế nhị này. Bắt đầu từ đâu, khơi chuyện như thế nào để tạo một không khí thân thiện, tâm lý thoải mái giữa cha mẹ và con cái luôn là những câu hỏi khiến các bậc cha mẹ lúng túng. Theo tôi, chị có thể bắt đầu câu chuyện giáo dục các kiến thức về giới tính, sức khỏe sinh sản cho con gái của mình từ một nhân vật cụ thể (có thể là cô bạn ở lớp vừa mới lấy chồng). Bản thân chị cần chủ động khơi gợi chuyện để cháu có thể thoải mái bày tỏ tâm tư hoặc đặt các câu hỏi mà cháu đang muốn tìm câu trả lời từ phía người lớn. Sách báo cũng là một kênh cung cấp kiến thức cho con gái mà chị có thể nhờ cậy.
Hiền Hòa