Giáo dục về vấn đề môi trường trong trường học như thế nào là câu hỏi đang được đặt ra ở nước ta cũng như nhiều nước khác trên thế giới. Giáo dục môi trường chưa được xây dựng thành môn học riêng biệt, mà chỉ được lồng ghép vào những môn học khác.
Tuy nhiên, ngẫm kỹ thì thấy cần đặt ra một câu hỏi, là liệu trong chương trình học hiện nay, có nhiều nội dung giáo dục môi trường. Để giáo dục môi trường cần hình thành ở học sinh ý thức đề cao tính tự nhiên, coi trọng mọi sự sống trên trái đất và cách sống dung hòa với tự nhiên. Vậy thì sách giáo khoa của ta đã tiềm ẩn những nội dung của quan niệm về tự nhiên vậy chưa? Chẳng hạn, từ trước đến nay, ta luôn luôn phân biệt hai loại động vật: động vật có ích, động vật có hại. Khi dạy, giáo viên dẫn dắt học sinh đi đến kết luận với các con vật có ích cần được bảo vệ, với các con vật có hại cần phải tiêu diệt. Thiết nghĩ, việc phân chia các sinh vật như vậy là sự nhìn nhận từ một góc độ lợi ích hạn hẹp, trước mắt mà thôi. Trong thực tế, mọi sinh vật đều có vai trò quan trọng trong việc duy trì đa dạng sinh học, duy trì sự cân bằng của hệ sinh thái. Như vậy cách phân chia nói trên mâu thuẫn với quan điểm bảo vệ môi trường, các loại thú rừng quý hiếm như voi, hổ… có thể bị tận diệt.
Giáo dục môi trường là một lĩnh vực giáo dục có tên gọi mới. Song nhiều kiến thức, kỹ năng, thái độ, hành vi cần được hình thành, lại có mối liên quan mật thiết với các môn học và các hoạt động vốn có trong chương trình giáo dục ở trường học. Vì vậy, nhiều nước đã đưa giáo dục môi trường vào chương trình, bằng cách chấn chỉnh và bổ sung nội dung giáo dục môi trường trong các môn học hiện hành. Thế nhưng, hiệu quả giáo dục môi trường chưa bộc lộ rõ. Vẫn còn vấn đề đặt ra: giáo dục như thế nào để hình thành ở người học không chỉ những nhận thức về môi trường mà cả những hành vi tương ứng để giải quyết những vấn đề môi trường và bảo vệ môi trường.
Ở các nước có giáo dục môi trường phát triển như Anh, Mỹ, Nhật… bên cạnh việc triển khai mọi môn học ở trường học, một hình thức học tập mới được hình thành để đối phó với những bất cập vừa nêu trong giáo dục là học sinh được học những vấn đề cụ thể và trong môi trường gần gũi.
Những hành động vì môi trường là những hành động cụ thể, phải hướng tới giải quyết các vấn đề cụ thể, cần được biểu hiện trong một không gian cụ thể. Các vấn đề đó có liên quan đến nhiều lĩnh vực và nhiều môn học. Vì vậy, việc học tập một cách biệt lập qua từng môn học, tuy có vai trò trong việc hình thành nhận thức về những vấn đề môi trường, nhưng khó có thể bao quát hết của các vấn đề môi trưòng. Bởi vì, các vấn đề môi trường là những vấn đề của thực tế, nên không thể đem chia rẽ vào các môn học. Như vậy, chỉ hình thức học tổng hợp nhiều môn học trong môi trường gần gũi, mới có khả năng đối phó với các vấn đề môi trường, hướng tới hình thành những hành vi, hành động giải quyết các vấn đề môi trường và cải thiện môi trường.
Để giáo dục môi trường mang lại hiệu quả, thiết nghĩ ta cần chấn chỉnh và bổ sung những nội dung giáo dục trong các môn học hiện hành, đưa các vấn đề môi trường cụ thể của quê hương, đất nước vào làm nội dung học tập, để hình thành ở học sinh, sinh viên không chỉ những nhận thức về các vấn đề đó mà cả những hành động cụ thể để giải quyết chúng.
Quỳnh Linh