Khi mặt trời bắt đầu lặn cũng là lúc những ngọn lửa được đốt lên để già trẻ, lớn bé trong làng tụ tập lại vui chơi, ca hát. Những giọng hát của những nam thanh nữ tú cất lên du dương xen lẫn với những lời chúc tụng, những nụ cười mãn nguyện của các cụ ông cụ bà như tiếp thêm không khí đầm ấm, hạnh phúc của người đồng bào S’tiêng nơi đây.
Đồng bào S'tiêng. Ảnh Internet. |
Trước khi chào đón đêm giao thừa bằng những màn biểu diễn pháo bông đặc sắc, chúng tôi được cảm nhận một giao thừa “sớm” của đồng bào S’tiêng trên đất Nghĩa Bình (xã Nghĩa Bình, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước).
Men theo những con đường đất đỏ với đường điện dẫn về tận mỗi nhà, gặp chúng tôi già làng Điểu Nhiêm, dân tộc S’tiêng (sóc 28, xã Nghĩa Bình) không dấu nỗi niềm vui sướng: “Từ năm 2005 dòng điện đã mang nhiều ánh sáng về với đồng bào ở xã Nghĩa Bình, có điện, có ti vi, loa đài, được học hỏi nhiều thứ nên biết cách trồng trọt, không những đủ ăn mà còn có nhiều nhà khá nữa đấy”. “Mình làm lúa rẫy nghèo đói cứ theo hoài, vài năm lại phải đốt mảnh đất mới, trong khi người Kinh làm ăn rất giỏi, nhiều gia đình chỉ sản xuất nông nghiệp nhưng kinh tế lại khá giả. Phải học cách làm ăn của người Kinh!”. Đó là nỗi trăn trở của chàng thanh niên Điểu Nhiêm nhiều năm về trước, khi gia đình anh còn bám vào rừng để sống.
Năm nay được mùa lúa, lại trúng cả mùa cao su nên gia đình già làng Điểu Nhiêm chuẩn bị đón tết rất sớm và tươm tất. Ngay từ khi thu hoạch lúa xong, cả nhà đã cùng nhau xuống chợ mua sắm đồ mới và chuẩn bị heo, gà ăn tết. “Bây giờ cuộc sống kinh tế khá giả hơn nên tụi tôi cũng đón tết khác xưa rất nhiều. Những đứa trẻ cũng không đóng khố như lúc trước mà được mua nhiều quần áo mới, được sắm sửa đủ thứ”, già làng Nhiêm vừa nói vừa chỉ những đứa cháu của mình.
Gương mặt hằn lên những nếp nhăn, ông Điểu Thuyên (xã Nghĩa Bình, huyện Bù Đăng) hồi tưởng lại những nghi thức đón tết của dân tộc mình từ thời xa xưa “Ngày trước đồng bào mình không ăn tết như người Kinh đâu. Cứ thu hoạch lúa xong khi nào thì làm lễ mừng lúa mới khi đó và gọi là ăn tết luôn.”
Giọng nói bị đứt quãng do ảnh hưởng của tuổi già và pha lẫn ngôn ngữ, ông Điều Thuyên kể tỉ mỉ về những tập tục đã làm nên nét đặc sắc của dân tộc mình. Theo ông Thuyên, đối với người đồng bào S’tiêng, ngày xưa năm mới có một ý nghĩa rất quan trọng. Vì nó là sự kết hợp của sự kết thúc một mùa thu hoạch lúa. Vì vậy, tết đến với họ thường sớm hơn so với nơi khác. “Sau khi kết thúc mùa lúa vào khoảng tháng 12 dương lịch.
Người dân trong làng bắt đầu mang lúa về để chuẩn bị đón tết. Thanh niên trai tráng chia nhau người thì vào rừng chặt cây gió đất về ngâm rượu, người mua gà, mua heo, bắt trâu về chuẩn bị sẵn trong chuồng. Phụ nữ thì ở nhà lấy ống tre để nấu cơm lam, lấy nếp trong bồ (vật để đựng lương thực được đan bằng tre - PV) gói bánh dày. Lũ trẻ con chạy qua chạy lại chơi nhảy quanh làng đòi đi mua đồ mới tạo thêm sự hứng khởi của mùa xuân trong cả xóm làng.
Giao thừa của đồng bào S’tiêng xưa đến rất sớm. Đúng 17 giờ chiều 30 tết. Cả gia đình, họ hàng đã quây quần bên nhau để đón tết. Những đống lửa bập bùng được đốt lên cao tới nóc nhà. Những con gà, con heo, con trâu đã được những thanh niên khỏe mạnh dẫn ra mổ thịt ngay giữa sân nhà. Khi mặt trời lặn, ánh đêm phủ kín thì cũng là lúc những ngọn lửa sáng vụt cả bầu trời, thanh niên trai tráng quây quần nắm tay nhau nhảy múa những điệu nhạc mê hồn quanh lửa thiêng. Cùng nhau ăn thịt nướng, uống rượu cần, vui chơi ca hát suốt đêm, để chia tay năm cũ, đón chào năm mới. “Ngày xưa không có nhang khói như bây giờ, để tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên, mỗi gia đình đồng bào S’tiêng thường vót những cây tre dài khoảng 2m, vót một đầu hình đầu gà, đầu heo để cắm vào kho lúa như một sự tưởng nhớ đế tổ tiên và cầu chúc cho năm sau làm ăn phát đạt, lúa thóc đầy bồ”, già làng Điểu Nhiêm nói về phong tục thờ cúng tổ tiên trong dịp tết của người S’tiêng.
Cũng như ngày xưa, giao thừa của người S’tiêng thường bắt đầu lúc đầu giờ chiều. Khi mặt trời bắt đầu lặn cũng là lúc những ngọn lửa được đốt lên để già trẻ, lớn bé trong làng tụ tập lại vui chơi, ca hát. Những giọng hát của những nam thanh nữ tú cất lên du dương xen lẫn với những lời chúc tụng, những cụ cười mãn nguyện của các cụ ông cụ bà như tiếp thêm không khí đầm ấm, hạnh phúc của người đồng bào S’tiêng nơi đây.
Vào ngày mồng một đầu năm, con cháu họ hàng các nơi đều đổ về nhà người cao tuổi nhất rồi tỏa ra các nhà hàng xóm, anh em để gửi đến nhau những lời chúng mừng năm mới, nhận những món quà lì xì từ người thân. Những ngày sau đó, (mồng 2, mồng 3) họ lại tiếp tục ngồi cùng với nhau bên chén rượu ngâm từ cây rừng, chiếc bánh từ lá dừa và những ống cơm lam thơm phức để nhâm nhi, thưởng thức hương vị mùa xuân. Tết của đồng bào S’tiêng xưa kết thúc vào ngày mồng 4. Đây cũng là thời điểm không kém phần trang trọng. Là ngày đầu tiên chuẩn bị cho một lùa múa mới, mùa lúa của những hy vọng mang lại nhiều ấm no.
Vào Nghĩa Bình hôm nay, cuộc sống người đồng bào S’tiêng đây đã thay đổi rất nhiều. Chính vì thế, phong tục tập quán xưa tuy vẫn còn nhưng tết của người dân nơi đây đã mang nhiều nét của người kinh. Vẫn còn những bánh dày, ống cơm lam, rượu cần nhưng đi kèm với nó cũng là những lư hương nghi ngút khói, những mâm hoa quả đầy ắp trên bàn thờ tổ tiên.
Theo chân già làng Điểu Nhiêm chúng tôi đi đến những ngôi nhà của đồng bào S’tiêng để chứng kiến những đối thay và không khí đón tết của người dân nơi đây. Vừa thấy chúng tôi từ đầu ngõ, chị Thị Đe đã hồ hởi chạy ra mời khách quý vào nhà uống nước. Tiếp chuyện với chúng tôi, chị Đe chia sẻ, mặc dù gia đình kinh tế còn rất khó khăn. Nhưng đối với người S’tiêng nói chung và gia đình chị nói riêng, Tết luôn luôn là một thời khắc rất quan trọng nên gia đình chị luôn chuẩn bị chu đáo để cầu chúc một năm may mắn, phát tài.
Rời Sóc 28 để trở về với không khí đón giao thừa náo nhiệt nơi phố thị. Nhưng trong lòng mỗi chúng tôi, lại mang một cảm giác lưu luyến đến khó tả như đã “trót yêu” những miền cao. Những tập tục đặc sắc. Cũng như c on người và cảnh vật hoang sơ của núi rừng luôn đem đến cho chúng tôi những cảm giác thân thương, gần gũi và đầy tình cảm.
Đậu Tất Thành