Phía châu Âu đánh giá Việt Nam đại diện cho một thị trường rất hấp dẫn đối với các công ty EU xuất khẩu những sản phẩm nông nghiệp. Là một thị trường lên tới 94 triệu dân, có tầng lớp trung lưu đang phát triển, với truyền thống ẩm thực lâu đời, nhu cầu của Việt Nam đối với các nông sản châu Âu dự kiến sẽ ngày càng gia tăng mạnh mẽ. Tương tự như vậy, Việt Nam là nhà sản xuất có lợi thế về các sản phẩm nuôi trồng như cá, tôm hay hạt điều, và có thể trở thành nguồn cung mạnh để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng châu Âu về các sản phẩm này.
Về tổng thể, giới doanh nghiệp EU đánh giá EVFTA sẽ mang lại nhiều tác động tích cực. Đây là thỏa thuận được ký với một quốc gia có tính bổ sung rất tốt cho nền kinh tế châu Âu, một nhà sản xuất rất nhiều sản phẩm với sản lượng lớn sẽ được gửi đến châu Âu để tiêu thụ và cũng sẽ nhập khẩu rất nhiều sản phẩm từ các nhà sản xuất EU.
Theo bà Pascale Rouhier, Tổng Thư ký Hiệp hội các doanh nghiệp kinh doanh nông sản và thực phẩm châu Âu, nhìn chung, EVFTA sẽ cung cấp một khuôn khổ hợp tác, giúp thảo luận về các quy định, đơn giản hóa thủ tục hải quan và xây dựng nên một cơ chế giải quyết tranh chấp tiềm năng.
Tổng Thư ký Hiệp hội các doanh nghiệp kinh doanh nông sản và thực phẩm châu Âu cũng cho rằng hiệp định sẽ tác động tích cực đối với nhiều ngành nông sản của châu Âu.
Đơn cử như ngành sữa, hiện châu Âu đã xuất khẩu một số sản phẩm sữa trị giá 150 triệu euro sang Việt Nam, đưa địa bàn này trở thành thị trường xuất khẩu cỡ vừa nhưng rất quan trọng đối với EU. Bà Rouhier cho biết phía EU mong muốn được miễn thuế hoàn toàn cho các sản phẩm sữa theo thỏa thuận, cho phép các nhà xuất khẩu EU cạnh tranh trên một sân chơi bình đẳng với New Zealand và lợi thế cạnh tranh nhẹ so với Mỹ.
Về ngành rau quả, các doanh nghiệp EU hy vọng rằng thỏa thuận, bao gồm việc thiết lập một cuộc đối thoại về các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS), có thể tạo niềm tin vào các tiêu chuẩn và đảm bảo an toàn về sinh học của EU. Các doanh nghiệp cũng hoan nghênh cam kết của EU trong việc cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam về SPS và các vấn đề an toàn thực phẩm.
Khi hiệp định đi vào thực thi, các doanh nghiệp EU có thể cạnh tranh trên một sân chơi bình đẳng với các đối thủ khác. Họ có thể giảm giá hàng hóa, vì thuế nhập khẩu được giảm; do đó EU có thể xuất khẩu nhiều hơn sang Việt Nam. Doanh nghiệp EU cũng kỳ vọng vào thỏa thuận cung cấp các thủ tục hợp lý liên quan đến SPS - thỏa thuận cũng có thể dẫn đến giảm chi phí hoạt động, với các thủ tục hải quan đơn giản hơn.
Bà Rouhier cũng cho rằng hiệp định khi được thực thi sẽ thúc đẩy hoạt động thương mại đối với một số sản phẩm mà EU không tự túc được, như các loại hạt, cà phê và trà hoặc các sản phẩm thủy sản, Việt Nam là quốc gia cung cấp nhiều sản phẩm thủy sản như cá ngừ đóng hộp và tôm đông lạnh. Hiệp định dự kiến cấp hạn ngạch cho sản phẩm cá ngừ với mức thuế 0%, còn tôm sẽ được miễn thuế khi thực hiện hoặc sau khoảng thời gian từ 6 - 8 năm tùy từng loại.
Theo bà Rouhier, ngành thương mại thực phẩm nông nghiệp của EU sẽ tích cực vận động Nghị viện châu Âu (EP) thông qua hiệp định một cách suôn sẻ, để thỏa thuận có thể đi vào hiệu lực vào đầu năm 2020.
Còn theo ông Pierre Groning, Trưởng Văn phòng liên lạc EU tại Brussels của Hiệp hội Công nghiệp hóa chất Đức, về tổng thể, EVFTA là thỏa thuận với một quốc gia bổ sung rất tốt cho nền kinh tế châu Âu. Việt Nam là nhà sản xuất rất nhiều mặt hàng với sản lượng lớn, có thể đáp ứng nhu cầu của thị trường châu Âu và cũng có khả năng tiếp nhận rất nhiều sản phẩm từ EU, đặc biệt là mặt hàng hóa chất. Vì vậy, hai bên có một sự bổ sung nhất định cho nhau và ít có tính đối kháng về mặt kinh tế. Ví dụ đối với ngành hóa chất của Đức, tầm quan trọng của thị trường Việt Nam sẽ tăng gấp đôi sau 5 năm. Hiện tại, hiệp hội doanh nghiệp hóa chất đã đạt khoảng 500 triệu euro xuất khẩu và sẽ tăng mạnh khi hiệp định được thực thi.
Ông Groning cũng cho rằng một số ngành của châu Âu, như dệt may, lúa gạo có thể bị ảnh hưởng, tuy nhiên vấn đề này đã được nêu trong các cuộc đàm phán, nên sẽ có một số điều khoản nhằm bảo vệ các nhà sản xuất châu Âu theo từng giai đoạn với việc cắt giảm thuế quan gắn liền với một tiến trình 10 năm.
Ông Groning nhấn mạnh ngay trong quá trình đàm phán đã có sự gia tăng mạnh mẽ đầu tư của châu Âu vào Việt Nam. Vì vậy, giá trị thương mại của Việt Nam đã tăng mạnh ngay trong những năm diễn ra đàm phán. Quá trình này đã được thực hiện một cách rất tích cực và cả hai bên cùng đón mừng khi hiệp định được ký kết. Giới doanh nghiệp châu Âu mong muốn hiệp định sẽ được phê chuẩn vào cuối năm hoặc đầu năm 2020.