Cách đây vừa tròn 55 năm, ngày 3/3/1959, Thủ tướng Chính phủ có Nghị định 100/TTg về việc thành lập lực lượng Công an nhân dân vũ trang. Ngay từ ngày đầu thành lập, tuy còn rất non trẻ, trang bị thô sơ, vật chất vô cùng thiếu thốn, địa bàn hoạt động rộng, xa xôi hẻo lánh, thời tiết, khí hậu vô cùng khắc nghiệt… nhưng cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng đã đoàn kết một lòng, vượt qua khó khăn thử thách, nhanh chóng triển khai lực lượng, xây dựng đồn, trạm, xây dựng phòng tuyến nhân dân, chiến đấu bảo vệ Đảng, Nhà nước và các mục tiêu nội địa quan trọng thuộc 33 khu, tỉnh, thành miền Bắc và thủ đô Hà Nội.
Lá chắn nơi biên giới
Trong thời kỳ đổi mới, trước yêu cầu của nhiệm vụ mới, lực lượng bộ đội biên phòng (BĐBP) đã chủ động làm tham mưu cho Đảng, Nhà nước đề ra nhiều chủ trương, đối sách giải quyết đúng đắn những vấn đề nảy sinh trên biên giới biển đảo của Tổ quốc.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng số 5, BĐBP Quảng Ninh tuần tra đường biên mốc giới. Ảnh: Trọng Đức - TTXVN |
Trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, cán bộ, chiến sĩ, BĐBP vừa kiên quyết giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, vừa linh hoạt khôn khéo, mềm dẻo không để đối đầu căng thẳng. Góp phần cùng các lực lượng chức năng hoàn thành nhiệm vụ phân giới, cắm mốc với Trung Quốc. Lực lượng BĐBP chủ động nắm chắc tình hình, dự báo được các tình huống có thể xảy ra, kịp thời ban hành các chỉ thị, đối sách, kế hoạch bảo vệ biên giới phù hợp với diễn biến tình hình trên thế giới. Tổ chức đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động phá hoại của phỉ Lào, các tổ chức phản động của người Việt lưu vong xâm nhập về chống phá cách mạng Việt Nam; chống cướp vũ trang, ngăn chặn, hạn chế tình trạng di dân tự do dọc theo biên giới, tình trạng vượt biên trái phép sang Lào.
Trên tuyến biển đảo thường xuyên diễn biến rất phức tạp, BĐBP luôn chủ động xây dựng và ban hành các kế hoạch bảo vệ chủ quyền an ninh trên các vùng biển, tích cực đổi mới phương thức hoạt động; khắc phục mọi khó khăn vươn ra biển phối hợp chặt chẽ với Hải quân; lực lượng Cảnh sát biển và ngư dân tuần tra, kiểm soát; xử lý linh hoạt các vụ việc vi phạm, vừa giữ vững chủ quyền theo pháp luật Việt Nam, vừa phù hợp với luật pháp quốc tế và quan hệ với các nước Hiệp hội ASEAN, ngăn chặn kịp thời tàu thuyền nước ngoài xâm phạm chủ quyền khai thác hải sản, thăm dò khoáng sản… Ngày nay việc bảo vệ biên giới quốc gia của BĐBP cần phải gắn chặt việc phòng, chống các loại tội phạm (và phi truyền thống) cũng như những vấn đề an ninh mới xuất hiện như: môi trường, buôn bán người, ma túy hay tội phạm công nghệ cao…
Quản lý, kiểm soát tốt trên các cửa khẩu biên giới
Bộ Tư lệnh BĐBP đã chủ động chỉ đạo các đơn vị làm nhiệm vụ xuất nhập cảnh; tích cực chủ động đổi mới cải cách hành chính đảm bảo chặt chẽ về nguyên tắc, thủ tục nhưng thông thoáng cho người và hàng hóa qua lại các cửa khẩu. Các đơn vị trực tiếp làm nhiệm vụ này đã thường xuyên chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, kiến thức đối ngoại, ngoại ngữ. Đảm bảo cơ sở vật chất về phương tiện, trang bị phục vụ cho công tác quản lý, kiểm soát xuất nhập cảnh từng bước được trang bị các loại máy hiện đại đã mang lại hiệu quả thiết thực trong kiểm tra kiểm soát xuất nhập cảnh.
Ngày 3/3/1959, Thủ tướng Chính phủ có Nghị định 100/TTg về việc thành lập lực lượng Công an nhân dân vũ trang. Nghị định nêu rõ: “Thống nhất các đơn vị bộ đội đang làm công tác bảo vệ nội địa, bảo vệ biên giới, giới tuyến và các đơn vị Công an biên phòng, Cảnh sát vũ trang thành một lực lượng vũ trang chuyên trách làm công tác biên phòng và bảo vệ nội địa, lấy tên là Công an nhân dân vũ trang, do Bộ Công an trực tiếp chỉ đạo và quản lý”. |
Đối với cửa khẩu biển giới đường bộ lưu lượng qua lại hàng nghìn người mỗi ngày, việc kiểm soát theo phương pháp thủ công mỗi hành khách ít nhất phải mất ba phút gây ùn tắc trên các cửa khẩu. Để kịp thời cập nhật thông tin, phục vụ chỉ huy, chỉ đạo, BĐBP đã tập trung nghiên cứu trang bị đường truyền tốc độ cao (có thể truyền được hình ảnh) tạo được bước chuyển biến mới trong quản lý, kiểm soát của BĐBP trên các cửa khẩu, cảng biển, phù hợp với xu hướng mở cửa, hội nhập của đất nước. Tiêu biểu là tập thể Trạm Kiểm soát Nhà Rồng thuộc Biên phòng Cửa khẩu cảng Sài Gòn, BĐBP Thành phố Hồ Chí Minh đã được Bộ Tư lệnh BĐBP đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới.
Trong cải cách TTHC đã nghiên cứu loại bỏ 11 loại giấy tờ không cần thiết, giảm thời gian làm thủ tục cho hành khách xuất, nhập cảnh (tuyến bộ) từ 1,5 - 2 phút, xuống còn khoảng 45 giây, thời gian làm thủ tục cho một phương tiện từ 4 - 5 phút, xuống còn một đến 1,5 phút. Tuyến cảng biển giảm thời gian làm thủ tục cho một chuyến tàu từ 1,5 giờ - 2 giờ xuống còn 30 phút và cho một hành khách từ một phút xuống còn 30 giây.
Đổi mới công tác đối ngoại biên phòng
Quán triệt quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước theo phương châm đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ và Việt Nam muốn làm bạn, là đối tác tin cậy của các nước trên thế giới.
Trong những năm qua BĐBP, luôn chủ động đề xuất các chủ trương giải pháp cụ thể chỉ đạo các đơn vị củng cố và mở rộng quan hệ với các nước láng giềng trên cơ sở duy trì tốt các hiệp định, hiệp nghị, quy chế biên giới và giải quyết kịp thời các vụ việc xảy ra trên biên giới vùng biển phù hợp với sự phát triển của tình hình thế giới, khu vực và trong nước. Hàng năm đã có hàng ngàn cuộc tiếp xúc giữa BĐBP Việt Nam với các lực lượng bảo vệ biên giới nước láng giềng, thông qua các mối quan hệ tiếp xúc giữa các đoàn từ trung ương xuống địa phương đặc biệt là các đồn Biên phòng Việt Nam với các Đồn Biên phòng hoặc lực lượng vũ trang làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới các nước láng giềng. Đã tăng cường tình cảm hữu nghị, sự hiểu biết lẫn nhau, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phối hợp, hợp tác giải quyết các vấn đề xảy ra liên quan đến hai bên biên giới, ngăn chặn người vượt biên, truy bắt các tội phạm ẩn náu hai bên biên giới; thông báo tình hình.
Thường xuyên làm tốt nhiệm vụ giúp đỡ bạn Lào và Campuchia trong công tác bảo vệ biên giới và quan hệ đối ngoại. Thực hiện tốt phương châm của Đảng: Đoàn kết hữu nghị, tăng bạn bớt thù. Đặc biệt là quan hệ tốt với chính quyền và các lực lượng vũ trang Campuchia, làm thất bại ý đồ thành lập các trại tị nạn trên đất Campuchia ở các tỉnh đối diện Tây Nguyên. Góp phần ổn định tình hình ở Tây Nguyên, giữ vững chủ quyền an ninh biên giới, xây dựng tình đoàn kết hữu nghị với các nước láng giềng. Đập tan âm mưu lợi dụng các vấn đề biên giới lãnh thổ, dân tộc của các thế lực thù địch để chia rẽ chống phá cách mạng nước ta.
Tích cực chủ động tham mưu cho Chính phủ, Bộ Quốc phòng trong đàm phán giải quyết các vấn đề về biên giới. Đảng ủy và Bộ Tư lệnh đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng và các địa phương hoàn thành công tác phân giới cắm mốc biên giới với nước CHND Trung Hoa, công tác tăng dày tôn tạo mốc biên giới với nước CHDCND Lào và tổ chức bảo vệ biên giới theo các văn bản pháp lý về biên giới và cửa khẩu mà nước ta đã ký kết với hai nước. Chủ động quan hệ hợp tác chặt chẽ với nhân dân và lực lượng bảo vệ biên giới các nước láng giềng, tổ chức các hoạt động giao lưu, kết nghĩa giữa lực lượng vũ trang và nhân dân hai bên biên giới với các nước láng giềng…
Trung tướng Võ Trọng Việt, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng