Đứng trước nguy cơ nhiều nghề truyền thống dân tộc thiểu số bị mai một và biến mất, đồng bào dân tộc Mạ trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã có ý thức gìn giữ văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là nghề dệt thổ cẩm.
Ý thức “giữ lửa” nghề dệt thổ cẩm ngày càng phố biến tại nhiều thôn, bon ở cộng đồng dân tộc Mạ. Tại bon Phi Mur, xã Quảng Khê (huyện Đắk G’long), chị H’Khiêu được biết đến là một người phụ nữ tài hoa và có tâm với nghề dệt thổ cẩm. Không chỉ dệt thổ cẩm cho gia đình, chị H’Khiêu còn là người có uy tín được Ban Văn hóa xã tín nhiệm giao hướng dẫn dệt thổ cẩm cho chị, em trong xã, thôn, bon. Chị H’Khiêu tâm sự: “Dệt thổ cẩm là nghề truyền thống lâu đời của dân tộc; không chỉ là dệt vải để sử dụng trong sinh hoạt gia đình mà còn có thể bán để tăng thêm thu nhập phụ giúp kinh tế gia đình. Trong thời gian rảnh rỗi những ngày cuối tuần, mùa mưa, chị, em có thể ở nhà dệt những tấm khăn, áo, váy, túi…”.
Lớp học thổ cẩm tại bon Phi Mur, xã Quảng Khê, huyện Đắk G'long. |
Còn chị H’Bạch, ở bon N’Jiêng, xã Đắk Nia, thị xã Gia Nghĩa, cho biết: “Hiện nay thế hệ trẻ hầu như không biết dệt, không thích dệt thổ cẩm. Bởi muốn có một sản phẩm dệt thổ cẩm phải mất nhiều thời gian, chi phí mua len cao gấp nhiều lần giá mua đồ may sẵn ngoài chợ. Vì thế chúng tôi đã cố gắng truyền dạy nghề ngay trong gia đình mình hoặc hàng xóm để các em biết dệt vải. Trong thôn, bon, chị em đều sẵn sàng hướng dẫn miễn phí để ai muốn đều có thể tự hoàn thành sản phẩm thổ cẩm ưng ý.
Ông K’Siêng, Phó Chủ tịch xã Quảng Khê, huyện Đắk G’long cho biết: “Dệt thổ cẩm là một trong những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Mạ. Hiện nay, với nhiều lý do khác nhau như giá cả sản phẩm, thời gian dệt… dệt thổ cẩm không còn được chuộng như trước đây. Nhưng hiện nay trên địa bàn huyện, nhiều người, nhiều gia đình vẫn gìn giữ khung cửi truyền thống dệt thổ cẩm, đây là điều rất đáng quý. Chính quyền địa phương cũng tăng cường tuyên truyền tới bà con nâng cao ý thức gìn giữ những tinh hoa văn hóa của dân tộc, tránh bị mai một hay biến mất.
K’Gửh