Giữ nét thuần phong mỹ tục

Cùng với sự phát triển kinh tế, đổi thay trong cuộc sống, bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số cũng bị biến đổi, mai một nhiều, nhưng với tình yêu, niềm tự hào về văn hóa truyền thống, những người già, nghệ nhân, bằng nhiều cách, đã cùng nhau lưu giữ và khơi dậy di sản văn hóa của dân tộc mình.

Bảo tồn dân ca

Trong buổi sinh hoạt của câu lạc bộ (CLB) dân ca Sán Chí, thôn Nóng, xã Kiên Lao, huyện Lục Ngan, Bắc Giang, nghệ nhân Lý Thị Kẹo, Chủ nhiệm CLB cho biết: “Những làn điệu dân ca Sán Chí có từ bao giờ không ai biết, nhưng từ hồi nhỏ tôi đã được các mẹ, các chị truyền lại, đã biết hát, biết dạy nhau học hát những làn điệu này. Nhưng ngày xưa khác, bây giờ đời sống phát triển rồi, con cháu cũng bận rộn học hành, đi làm nên nhiều thời gian phong trào này cũng lắng xuống, chả mấy ai quan tâm. Từ khi được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia (năm 2012), dân ca Sán Chí bắt đầu được khôi phục mạnh mẽ hơn. Các CLB dân ca được thành lập, người già như chúng tôi vui lắm. Có nơi để sinh hoạt và truyền lại cho con cháu”.

Lễ hội Cầu mưa của người Khơ Mú ở bản Tọ Cuông, xã Ẳng Tở, huyện Mường Ảng, Điện Biên được phục dựng và bảo tồn.

Dân ca Sán Chí vẫn là món ăn tinh thần không thể thiếu trong sinh hoạt cộng đồng của người dân. Hiện nay, đồng bào Sán Chí còn lưu giữ được hàng nghìn bài hát dân ca, thuộc các thể loại khác nhau. Mỗi bài hát dân ca Sán Chí ở tất cả các thể loại đều viết theo thể thơ 4 câu, mỗi câu có 7 chữ, lối hát chủ yếu là đối đáp nam nữ chào hỏi, đố nhau, chúc tụng...

“Nếu như trước đây, chúng tôi hát dân ca mọi lúc, mọi nơi, thì ngày nay mọi người chỉ hát trong những dịp lễ hội, trong các buổi sinh hoạt CLB hát dân ca. Để lớp trẻ biết văn hóa của dân tộc mình, tôi vẫn đang dạy cho 4 cháu trai, 4 cháu gái hát những bài dân ca Sán Chí. Các cháu đều rất yêu thích và cố gắng học tập”, bà Kẹo chia sẻ.

Trong nỗ lực bảo tồn di sản, mỗi thôn ở xã Kiên Lao đều có một CLB dân ca, với số lượng thành viên sinh hoạt định kỳ từ 30 - 40 người, trong đó có không ít thanh niên tham gia; hoạt động trên tinh thần tự nguyện, mọi người tự đóng góp kinh phí để duy trì CLB. Xã Kiên Lao cũng có một CLB chung, quy tụ những nghệ nhân giỏi nhất, những người tâm huyết nhất với dân ca Sán Chí. Nghệ nhân Lâm Minh Sập, Chủ nhiệm CLB dân ca Sán Chí xã Kiên Lao, là một người như vậy. Ông chuyên đi sưu tầm các bài hát, dân ca cổ và truyền lại cho mọi người. “Dạy cho lớp trẻ mất thời gian và công sức lắm, nhưng tôi không dạy thì mai sau sẽ không còn ai biết hát dân ca, đến bản sắc văn hóa dân tộc mình nữa. Tôi và các nghệ nhân trong CLB đều có tâm niệm như vậy. Một người không thể gánh được hòn đá tảng, mọi người phải góp sức vào thì dân ca Sán Chí mới được gìn giữ, bảo tồn”, ông Sập bày tỏ.

Khôi phục các lễ hội

Những người đàn ông Khơ Mú khỏe mạnh dàn hàng ngang đi trước, vừa nhún nhảy, vừa vung gậy chọc lỗ, những âm thanh dội lên như khích lệ mọi người cùng tham gia lao động. Các cô gái theo sau nhịp nhàng vung tay gieo những hạt lúa giống vào lỗ, chân gạt nhẹ lấp đất, tất cả đều nhịp nhàng, uyển chuyển. Vây xung quanh là ánh mắt hân hoan, những gương mặt náo nức của bà con. Những động tác lao động quen thuộc đã được thăng hoa thành nghệ thuật và được tái hiện lại trong Lễ hội cầu mưa của người Khơ Mú.

Dân ca Sán Chí xã Kiên Lao, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang được giới thiệu qua các buổi giao lưu.

Ông Quàng Văn Cá, một trong những người hiếm hoi am hiểu các nghi lễ, phong tục của người Khơ Mú, ở bản Tọ Cuông, xã Ẳng Tở, huyện Mường Ảng, Điện Biên tự hào: Bản Tọ Cuông là bản hiếm hoi của người Khơ Mú còn bảo tồn được 5 lễ hội lớn là Cầu mùa, Tra hạt, Mừng cơm mới, Cúng bản, Cầu mưa.

Mới chỉ cách đây 2, 3 năm, bản Tọ Cuông, với 100% là người Khơ Mú cũng như các bản người Khơ Mú khác, chỉ còn tổ chức các ngày lễ lớn của dân tộc như: Tra hạt và Mừng cơm mới giới hạn trong không gian gia đình. Còn hoạt động Cúng bản và Cầu mưa thì đã lâu không còn được tổ chức. Trước tình hình đó, năm 2013, ông Cá và những người tâm huyết họp bàn với dân bản cùng nhau đóng góp để tổ chức Lễ Cúng bản. Lễ hội đã diễn ra trong sự hoan nghênh của tất cả bà con. “Mừng hơn nữa là năm 2014, với hỗ trợ của Bảo tàng tỉnh cùng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam và Trung tâm Lưu giữ di sản Việt Nam, Lễ hội Cầu mưa đã được phục dựng lại. Nhìn thấy lễ hội được tổ chức quy mô, bài bản, lớp trẻ biết được ý nghĩa cũng như tham gia nhiệt tình vào lễ hội. Đây là cái gốc để từ đó bản sắc văn hóa của người Khơ Mú càng được phát huy hơn nữa”, ông Cá nhớ lại.

Điều mà ông Cá tự hào nhất là sự chung tay, đồng lòng của tất cả dân bản. Những ngày hội thế này, mỗi gia đình không chỉ góp công mà còn tự nguyện đóng góp vật chất theo khả năng. Mỗi nhà một thứ: Con gà, chai rượu hay vài cân gạo… Những người tham gia lễ hội tự mình sắm sửa quần áo để tham gia. Chị Lò Thị Loan - thành viên của đội văn nghệ bản. Gia đình thuộc vào diện hộ nghèo, cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng được tham gia vào đội văn nghệ của bản, được trình diễn những điệu múa, điệu hát của dân tộc mình vào những dịp lễ hội là niềm tự hào của chị. Chị Loan chia sẻ: “Nhà tôi không có điều kiện, nhưng để tham gia các hoạt động của bản, tôi cũng cố gắng mua cho mình một bộ trang phục dân tộc. Bỏ công thêu, đính để làm đẹp thêm bộ váy áo. Mỗi lần có dịp mặc bộ quần áo truyền thống tôi thấy rất tự hào. Nhất là từ khi các hoạt động bảo tồn văn hóa dân tộc được nhiều nơi biết đến, tôi được đi nhiều nơi để giới thiệu các nghi lễ, phong tục của dân tộc mình. Các chị em trong bản, giờ ai cũng mong muốn được như tôi, nên càng tích cực tham gia vào các hoạt động của bản”.

Sưu tầm vốn cổ

Ông Kray Sức, cán bộ văn hóa xã Tà Rụt, huyện Đăkrông, tỉnh Quảng Trị đã dành cả đời sưu tầm, giữ gìn, truyền dạy cho thế hệ trẻ những phong tục, tập quán, lễ hội và các làn điệu dân ca dân tộc Pa Cô.

Đồng bào Pa Cô với Lễ hội Ariêu Ping độc đáo.

Năm 2004, Kray Sức được phân công làm cán bộ văn hóa xã Tà Rụt. Lúc này, ông mới thực sự có cơ hội để thực hiện những dự định ấp ủ từ lâu. Hàng ngày, Kray Sức tìm tới những nghệ nhân, những người cao tuổi để ghi chép lại các bản nhạc, bài hát. Sau đó dịch từ tiếng Pa Cô sang tiếng Việt, biên soạn giáo án để dạy lại cho thế hệ trẻ. Trên cơ sở những bài dân ca cổ, Kray Sức viết lại lời mới phù hợp với tình hình thực tế để bà con cùng luyện tập. Chị Hồ Thị Thôi, ở thôn A Liêng, một thành viên của đội văn nghệ xã Tà Rụt kể: “Mình lập gia đình rồi, chồng mình không cho đi hát đâu. Nhưng ông Kray Sức nhiều lần đến nhà thuyết phục, chồng mình cũng cho mình đi. Đến bây giờ, mình đã thuộc được hơn 15 bài dân ca rồi đấy. Mình cũng đã đi biểu diễn hát dân ca ở nhiều nơi lắm rồi, tự hào lắm”.

Bằng công sức của mình, đến nay Kray Sức đã sưu tầm được gần 100 chiếc cồng, chiêng và các loại nhạc cụ truyền thống như trống Toong, sáo Khui, khèn Bè, sáo Tirel…

“Hiện nay tôi đang làm đề án hướng dẫn cách đọc viết chữ Pa Cô để giữ gìn tiếng nói của dân tộc mình. Tôi cũng mong muốn có một nơi để trưng bày các hiện vật, nhạc cụ của nhà Pa Cô để mọi người biết đến những nét đẹp, đặc trưng của văn hóa người Pa Cô”, Kray Sức chia sẻ.
PV
Bảo tồn thổ cẩm Gia Rai
Bảo tồn thổ cẩm Gia Rai

Những người già Gia Rai kể rằng, khi xưa tổ tiên của họ tìm đến sinh sống bên những thác nước, họ đã biết lấy cây rừng, sau này là cây bông để làm sợi dệt vải. Việc lựa chọn nguyên liệu và cách nhuộm sợi, ở mỗi nhóm người, mỗi gia đình Gia Rai có thể khác nhau, song cũng có những điểm tương đồng. Màu được ưa thích của họ thường là màu đen, màu xanh thẫm, điểm xuyết thêm màu vàng và màu đỏ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN