Một mùa xuân lại về, tiếng cồng, tiếng chiếng lại rộn ràng vang lên đón chào năm mới với niềm tin mãnh liệt về một cuộc sống ấm no, đủ đầy của buôn làng Gia Lai. Để lưu giữ những nét đẹp văn hóa ấy mãi trường tồn với thời gian, giữ lửa, giữ hồn cho tiếng cồng chiêng, tiếng chiêng mãi vang xa, phải kể đến sự dày công nghiên cứu và truyền dạy của đội ngũ các nghệ nhân cùng những người tâm huyết với những loại hình văn hoá đặc sắc này.
Thầy Lê Hữu Phong (áo sơmi trắng) hướng dẫn học sinh đánh cồng chiêng. Ảnh: baogialai.com.vn |
Thầy Lê Hữu Phong, Hiệu trưởng trường Dân tộc Nội trú huyện Mang Yang, một người Kinh lên từ miền xuôi lên, 20 năm nay vẫn tận tụy với công việc bảo tồn nét văn hóa truyền thống của người Ba Na trên vùng đất cổng trời Mang Yang.
Thầy Phong được biết đến là người đầu tiên của tỉnh Gia Lai đưa cồng chiêng, múa xoang, hát đồng dao vào lớp học như một tiết học chính khóa và bước đầu đạt được những thành công đáng kể trong công cuộc bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống này. Với sự hướng dẫn của thầy và một số nghệ nhân trong vùng, hầu hết các em học sinh dân tộc thiểu số của trường đều được học và sử dụng thành thục các nhạc cụ của dân tộc mình. Trường có 5 lớp thì mỗi lớp đều có một đội cồng chiêng, múa xoang và một đội hát dân ca truyền thống.
Những gương mặt trong đội cồng chiêng, hát dân ca của trường đã trở nên quen thuộc trong các cuộc thi, biểu diễn ở huyện, tỉnh và khu vực. Với những tinh hoa vốn có, nhiều năm qua trường đã gặt hái được rất nhiều thành công trong các cuộc thi về văn hóa, văn nghệ. Nhiều em trở thành hạt giống quan trọng trong các đội cồng chiêng ở các buôn làng.
Với các em học sinh niềm vui trong việc học bảo tồn nét văn hóa truyền thống là động lực lớn để các em tiếp thu kiến thức phổ thông. Em Weo ở làng Bông Bim, xã Đắc Jơ Ta (học sinh lớp 9 của trường) tâm sự: "Em được học đánh cồng chiêng 3 năm rồi, bây giờ em có thể đánh thuần thục được 5 bài chiêng, trong đó có 4 bài chiêng cổ. Được học đánh cồng chiêng em rất vui, rất thích, nó giúp em phấn đấu học chữ tốt hơn".
Cùng với cồng chiêng, múa xoang, các nội dung khác về văn hóa truyền thống dân gian của người Ba Na cũng được thầy Phong tổ chức cho đội ngũ giáo viên trong trường khéo léo lồng ghép vào các chương trình học. Trong đó, có thể kể đến như dệt thổ cẩm, học hát dân ca và đồng dao... Một trong những thành tích ấn tượng nhất là vào năm 1994, ba tiết mục hát đồng dao kết hợp với múa xoang và cồng chiêng do thầy Phong đạo diễn và dàn dựng cho các em học sinh trường phổ thông cơ sở Lơ Bang, huyện Mang Yang đi tham dự Hội thi ca múa nhạc thiếu nhi các dân tộc toàn quốc đã giành cả ba huy chương vàng.
Thầy Lê Hữu Phong sinh ra và lớn lên ở tỉnh Hưng Yên. Năm 1984, thầy chuyển vào Mang Yang công tác trong các ngành giáo dục và văn hoá, cho đến năm 2007 trở thành Hiệu trưởng Trường Dân tộc Nội trú huyện Mang Yang. Đây cũng là thời điểm các nội dung bảo tồn văn hóa truyền thống chính thức được đưa vào các lớp học của trường. Thầy Phong chia sẻ, tiếng cồng, tiếng chiêng đã thấm vào máu thịt từ những ngày đầu mới vào đất Tây Nguyên, với cổng trời Mang Yang. Gần 30 năm gắn bó với công việc cũng là chừng ấy năm thầy dành thời gian rảnh rỗi để về các buôn làng tìm hiểu, nghiên cứu văn hóa truyền thống người dân bản địa. Quãng thời gian ấy đã tích lũy trong thầy rất nhiều kiến thức bổ ích song với thầy thì chưa khi nào là đủ. Say mê với văn hóa truyền thống, với âm nhạc truyền thống của người bản địa đã khiến thầy thực sự hòa mình vào cuộc sống của bà con nơi đây.
Thầy Phong cho biết thêm, để thưởng thức được những giai điệu cồng chiêng trầm bổng đắm say lòng người thì phải xuống tất cả các buôn, làng mỗi khi vào mùa lễ hội để cảm nhận và nghiên cứu. Những năm “cắm bản”, cùng đồng cam cộng khổ với dân làng là dịp tốt để tiếp cận và tìm hiểu sâu hơn về những giá trị văn hoá quý giá của dân tộc này.
Điều vẫn làm con người luôn đau đáu với việc bảo tồn giá trị văn hóa Ba Na bản địa băn khoăn đó là những vốn quý đó đang mai một nhanh chóng. Do vậy, từ khi được chuyển về làm Hiệu trưởng trường phổ thông Dân tộc Nội trú huyện, thầy mới có điều kiện tốt để thực hiện ý tưởng đưa cồng chiêng và lễ hội dân gian vào chương trình ngoại khóa cho học sinh. Ngoài những bài hát, bài cồng chiêng cổ, thầy còn sưu tầm thêm những loại hình văn hoá khác để truyền dạy cho học sinh.
Không chỉ là người đầu tiên đưa cồng chiêng và các giá trị văn hóa truyền thống khác của dân tộc Ba Na vào lớp học, thầy Phong còn được nhiều người biết đến với tư cách là một nhà nghiên cứu về ngôn ngữ chữ viết dân tộc Ba Na. Thầy là chủ biên cuốn từ vựng đối chiếu Việt – Ba Na, Ba Na – Việt 12.000 từ xuất bản năm 2008. Không lâu sau, thầy tiếp tục là chủ biên của 2 cuốn: “Hướng dẫn giảng dạy tiếng Ba Na” và cuốn “Sách học tiếng Ba Na dành cho cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang” xuất bản năm 2010 và đang được sử dụng rộng rãi trên địa bàn tỉnh...
Say mê và tâm huyết với nền văn hóa truyền thống của người Ba Na bản địa, thầy Lê Hữu Phong là nhân tố quan trọng góp sức gìn giữ nét đẹp văn hóa dân tộc bản địa, giữ lửa, giữ hồn cho tiếng cồng, tiếng chiêng mãi mãi vang xa trên cổng trời Mang Yang.
Nguyễn Hoài Nam