Gỡ khó cho người chăn nuôi

Chia sẻ khó khăn với người nuôi, ngành NN&PTNT một mặt đang tập trung các giải pháp phòng dịch; mặt khác, khuyến cáo người chăn nuôi giảm bớt chi phí đầu vào và chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học...

 

Chăn nuôi theo hướng an toàn


Theo ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, với tổng đàn lợn khoảng 1,1 triệu con và đàn gà xấp xỉ 10 triệu con, Đồng Nai được xem là tỉnh có ngành chăn nuôi quy mô trang trại phát triển nhất cả nước. Tuy nhiên, tại Đồng Nai đang xuất hiện tình trạng các hộ rao bán chuồng trại.


Trước hàng loạt những khó khăn cũng như kiến nghị của người chăn nuôi, mới đây Bộ NN&PTNT đã khảo sát các cơ sở và trang trại chăn nuôi ở Đồng Nai để có biện pháp hỗ trợ người chăn nuôi kịp thời. Ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết: “Việt Nam có tới 4 triệu hộ chăn nuôi lợn và 7,5 triệu hộ chăn nuôi gia cầm, nên trong khoảng 30 năm nữa vẫn chưa thể hết quy mô chăn nuôi nông hộ. Vì thế, việc hỗ trợ phát triển chăn nuôi nông hộ theo hướng an toàn và bền vững là việc quan trọng để đảm bảo sinh kế cho bà con nông dân”.


Tuy nhiên, trong khi chờ các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, bộ, ngành, thì người chăn nuôi cần chủ động tìm các biện pháp giảm giá thành sản xuất và triệt để phòng ngừa dịch bệnh. Chẳng hạn, để giảm giá thành đầu vào, các hộ chăn nuôi có thể tự pha trộn cám cho gia súc, gia cầm. Tại huyện Thống Nhất (Đồng Nai), phần lớn các hộ thua lỗ đều mua cám công nghiệp. Những hộ tự pha trộn được cám thì thua lỗ ít hơn, nhiều hộ hòa vốn và duy trì được đàn gia súc, gia cầm.

 

Tăng cường tiêu độc, khử trùng


Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngành NN&PTNT đã đề nghị các bộ ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố tăng cường công tác phòng dịch, đặc biệt là trong tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường toàn quốc, từ ngày 25/4 - 25/5.


Bộ đã có văn bản hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi, kinh doanh, giết mổ gia súc, gia cầm tiến hành công tác này. Cụ thể, các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm cần tiến hành tiêu độc khử trùng bằng cách phát quang cây cỏ xung quanh chuồng nuôi, quét dọn thu gom phân rác để đốt hoặc chôn, khơi thông cống rãnh. Việc tiêu độc toàn bộ chuồng trại, khu vực chăn nuôi và vùng phụ cận cần được tiến hành mỗi tuần một lần.


Những cơ sở ấp nở gia cầm, thủy cầm phải phát quang cây cối xung quanh và vệ sinh sạch sẽ; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển gia cầm tới nơi ấp nở, xử lý thu gom vỏ trứng sau khi đã ấp nở để tiêu hủy.


Điểm giết mổ gia súc, gia cầm phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và nơi giết mổ cũng cần vệ sinh tiêu độc, khử trùng hằng ngày.


Còn những khu vực như chợ buôn gia súc, gia cầm và những nơi công cộng cần được quét dọn, phun thuốc khử trùng gia súc, gia cầm và các vật dụng liên quan vào cuối mỗi buổi chợ. Các phương tiện vận chuyển, lồng nhốt phải được phun khử trùng trước khi vào và ra khỏi chợ. Các quầy bán thịt phải được tiêu độc, sát trùng vào cuối mỗi buổi chợ.


Lãnh đạo ngành NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương chỉ đạo triển khai “Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường toàn quốc” đúng nội dung và thời gian quy định. Các địa phương phải báo cáo Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch cúm để Ban chỉ đạo tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, “khi có dấu hiệu bệnh, các địa phương phải kịp thời ngăn chặn, khoanh vùng bao vây ổ dịch và lấy mẫu để xét nghiệm chẩn đoán, đồng thời báo cáo về Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) để được hỗ trợ” ông Đàm Xuân Thành - Phó Cục trưởng Cục Thú y nhấn mạnh.

 

Mạnh Minh

Chăn nuôi gia cầm “vạ lây” vì dịch cúm: Lao đao vì hàng ế, giá giảm
Chăn nuôi gia cầm “vạ lây” vì dịch cúm: Lao đao vì hàng ế, giá giảm

Từ đầu năm đến nay, ngành chăn nuôi phải đối mặt với khó khăn từ nhiều phía. Đặc biệt, gần đây nhất, thông tin dịch cúm A/H7N9 ở Trung Quốc có nguy cơ lây lan sang nước ta đã tác động tới tình hình chăn nuôi của nhiều địa phương...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN