Theo Quyết định 42, nguồn ngân sách Nhà nước được sử dụng nhằm hỗ trợ cho tổ chức, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp về các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Đồng thời, chi cho đào tạo, hỗ trợ định mức lao động, tiền thuê đất khi các đơn vị này có sử dụng người lao động là đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh Tây Nguyên, khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Hiện có 29 tỉnh thành nằm trong danh sách đối tượng được thụ hưởng chính sách này.
Ông Đặng Vũ Trân - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, sau 7 năm triển khai thực hiện Quyết định 42, đã có gần 500 tỷ đồng kinh phí được cấp cho các địa phương và tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước để hỗ trợ cho khoảng 110.000 người lao động là đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài ra, các đơn vị sử dụng trên 30% lao động là đồng bào dân tộc thiểu số còn được miễn giảm tiền thuê đất với tổng kinh phí 197 tỷ đồng trong giai đoạn 2012-2018.
Điều này đã tác động tích cực đến hoạt động các đơn vị, giảm bớt khó khăn; khuyến khích các tổ chức, đơn vị tiếp tục sử dụng nhiều hơn người lao động là đồng bào dân tộc thiểu số tại khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Từ đó, giúp người dân tại đây có công ăn việc làm, thu nhập, góp phần ổn định đời sống người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội địa phương.
Tuy nhiên, thực tế triển khai cũng phát sinh một số khó khăn, vướng mắc nhất định. Theo ông Huỳnh Văn Bảo - Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, kinh phí hỗ trợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho các đơn vị sử dụng lao động là đồng bào dân tộc thiểu số chỉ được áp dụng cho mỗi lao động không quá 5 năm.
Do đó, từ năm thứ 6 trở đi, đơn vị sử dụng lao động phải đóng các khoản bảo hiểm trên cho đối tượng lao động này sẽ làm tăng đột biến chi phí, giá thành sản xuất cũng như suất đầu tư xây dựng cơ bản vườn cây cao su. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến kết quả sản xuất kinh doanh cũng như hiệu quả dự án đầu tư của các dự án cao su có sử dụng nhiều lao động là đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là trong điều kiện khó khăn của ngành cao su như hiện nay.
Đại diện Công ty TNHH MTV Cà phê Iagrai, thuộc Tổng công ty Cà phê Việt Nam cũng cho biết, phần lớn số công nhân lao động dân tộc thiểu số có trình độ dân trí còn thấp, khả năng tiếp cận với các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, đặc biệt với cây cà phê còn nhiều hạn chế.
Bên cạnh đó, một số công nhân công ty do đặc thù nên nhận khoán diện tích cà phê ít hơn so với định mức chung trong khi mức đóng bảo hiểm xã hội cao và hàng năm phải điều chỉnh tăng theo mức lương vùng, dẫn đến mất cân đối về thu nhập với mức đóng. Do đó, đời sống của công nhân lao động thêm khó khăn.
Trước những khó khăn trên, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, sẽ kiến nghị Chính phủ tiếp tục có chính sách hỗ trợ bằng tiền lâu dài cho các doanh nghiệp sử dụng lao động là đồng bào dân tộc thiểu số về kinh phí bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí đào tạo. Điều này để góp phần ổn định sản xuất kinh doanh, đảm bảo an ninh xã hội, thay vì giới hạn chỉ hỗ trợ 5 năm như hiện nay. Đồng thời, đề nghị cho phép các đơn vị doanh nghiệp 100% vốn nhà nước khi kinh doanh có lãi được trừ khoản kinh phí hỗ trợ vào lợi nhuận sau thuế trước khi nộp ngân sách nhà nước để tăng tính chủ động cho các doanh nghiệp.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị Bộ Tài chính có hướng dẫn, quy định cụ thể về cơ quan thuộc UBND các tỉnh làm đầu mối thực hiện nhiệm vụ tại Quyết định 42. Vì hiện nay chưa có sự thống nhất về cơ quan đầu mối thực hiện các nhiệm vụ này nên khó khăn trong việc tổng hợp và báo cáo. Các địa phương cũng cần nguồn kinh phí hỗ trợ kịp thời cho các đơn vị thành viên thuộc tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước khi chuyển thành công ty cổ phần...