Hội làng ở nước ta diễn ra quanh năm, nhưng tập trung nhiều từ tháng 2 đến tháng 4 dương lịch, lúc nông nhàn. Lễ hội có hai phần, phần “lễ” mang ý nghĩa tạ ơn và cầu xin thần linh mang lại cho mọi người những gì tốt đẹp và may mắn. Phần “hội” bao gồm các trò chơi giải trí. Phần lễ thu hút nhiều người cao tuổi, người trung niên còn phần hội lôi cuốn thanh thiếu niên.
Với thành phần dân cư ở nước ta trên 70% làm nông nghiệp, hội làng còn chiếm vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống tinh thần của nhân dân ta, sau mùa vụ vất vả. Ở lễ hội, thú vui văn nghệ, thể thao thu hút đông người nhất, mang lại không khí náo nhiệt vui tươi. Những tiết mục lành mạnh đó diễn ra ở nơi rộng rãi phía trước đền, đình, chùa.
Tuy vậy, đến lễ hội tại một số địa phương những người có tấm lòng trắc ẩn không thể không giật mình bởi những tiêu cực: Tình trạng ùn tắc, chen lấn, sự đeo bám của đội ngũ “cò dịch vụ” giành giật khách, bắt chẹt giá cả, sự đơn điệu của các trò chơi và có một điều nổi bật là dường như người ta đang “chợ hóa” lễ hội. Người ta bày hàng la liệt để bán, làm thu hẹp lối đi, với những câu mời chào không ăn nhập gì với không khí ngày lễ hội.
Tại một số lễ hội, từ chỗ xem văn công hoặc xem thể thao, đến nơi vắng hơn bạn sẽ thấy một số thanh thiếu niên túm tụm cá cược chọi gà, một số chơi xóc đĩa, trên chiếu có các tờ bạc từ 10.000 đến 100.000 đồng. Tôi thấy buồn khi nhìn thấy khuôn mặt của những chàng trai trẻ và những em thiếu niên ngây thơ đang mừng rỡ hoặc cay cú chăm chú vào những chấm đỏ đen của con xúc xắc. Trước đây tôi đã từng gặp những gương mặt đáng yêu, những ánh mắt trẻ nhỏ trầm trồ trước những con giống ngộ nghĩnh, cũng trong ngày hội của nhiều làng quê.
Có những lễ hội, trong tiếng nhạc chát chúa, người chủ ra sức mời mọi người tham gia rút que “trúng thưởng”, trò “câu cá” trúng thưởng. Đó chỉ là một thủ thuật của người bán hàng núp danh nghĩa một trò chơi. Những người bán đã tiêu thụ một số hàng kém phẩm chất, không rõ nguồn gốc như kẹo cao su, bánh xốp, nước ngọt…
Trong các hội làng ngày nay, nhiều trò chơi dân gian lành mạnh như đua cà kheo, kéo co, đấu vật… đang vắng bóng dần. Thay vào đó là những trò chơi có tính cờ bạc như xóc đĩa, tổ tôm, cá cược chọi gà...
Ra về, tôi thấy băn khoăn - hội làng không khéo lại là nơi tổ chức cờ bạc trá hình. Từng địa phương và đơn vị tổ chức hội làng cần để người dân có được một không khí hội làng đúng nghĩa, sao cho ai cũng có ấn tượng tốt đẹp về hội làng.
Thanh Nga