Những ngày qua, CH Cyprus (Síp), quốc đảo nhỏ bé ở Địa Trung Hải với 1,1 triệu dân đã trở thành điểm nóng trên bản đồ kinh tế thế giới, và cũng là “tâm bão” ở Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone). Mặc dù không đóng vai trò quá quan trọng trong hệ thống, nhưng nếu Cyprus rời Eurozone đây sẽ trở thành một tiền lệ cho việc một thành viên chia tay đồng euro không phải là không thể.
Thỏa thuận “đau đớn ” nhưng cần thiết
Tuần trước chính phủ Cyprus phải chạy nước rút đàm phán với các nhà tài trợ để tránh cho hệ thống ngân hàng và nền kinh tế nước này nguy cơ phá sản. Trở về từ Brúcxen hôm 25/3, Tổng thống Cyprus Nicos Anastasiades phát biểu rằng kế hoạch cứu trợ mặc dù "đau đớn", nhưng cần thiết để tránh cho nền kinh tế khỏi sụp đổ. Trong khi đó, nhiều người dân Cyprus cho biết họ cảm thấy hoàn toàn không "yên tâm" với thỏa thuận này.
Sinh viên Cyprus biểu tình phản đối gói cứu trợ ngày 26/3. Ảnh AFP/TTXVN |
Còn người đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde đánh giá đây làm một kế hoạch "toàn diện và đáng tin cậy", giải quyết được vấn đề cơ bản trong hệ thống ngân hàng.
Theo thỏa thuận giữa Síp và bộ tam - gồm Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Liên minh châu Âu (EU), Síp sẽ đóng cửa Laiki, ngân hàng lớn thứ hai của Síp, và buộc những người có lượng tiền gửi trên 100.000 euro vốn không được bảo vệ theo luật pháp EU phải chịu thua thiệt (thực chất là cưỡng bức xóa nợ một phần) để đổi lấy gói cứu trợ 10 tỷ euro (13 tỷ USD).
Sau khi Laiki bị khai tử, các khoản tiền gửi dưới 100.000 euro sẽ được chuyển sang Bank of Cyprus (Ngân hàng Síp) để tạo ra một "ngân hàng lành mạnh". Trong khi đó, các khoản tiền gửi trên 100.000 euro tại cả hai ngân hàng trên - sẽ bị phong tỏa và sử dụng để giải quyết nợ của Laiki và tái cơ cấu lại Bank of Cyprus thông qua cơ chế chuyển đổi tiền gửi/cổ phần. Chủ tịch Eurogroup (nhóm cố vấn gồm các bộ trưởng tài chính 17 nước thành viên Eurozone) ông Jeroen Dijsselbloem cho biết, "cuộc đột kích" vào các đối tượng gửi tiền không được bảo hiểm ở Laiki sẽ giúp huy động được 4,2 tỷ euro.
Đêm 25/3, nhiều người Síp bị sốc khi biết tất cả các ngân hàng của nước này sẽ vẫn đóng cửa cho tới ngày 28/3. Bộ trưởng Tài chính Cyprus Michael Sarris đã đưa ra quyết định trên theo lời khuyên của Thống đốc Ngân hàng Trung ương Panicos Demetriades nhằm "đảm bảo hoạt động suôn sẻ của toàn bộ hệ thống ngân hàng”. Trong khi chỉ vài giờ trước đó, Ngân hàng Trung ương Cyprus còn loan báo toàn bộ các ngân hàng của nước này, trừ hai ngân hàng lớn nhất là Bank of Cyprus và Laiki sẽ mở cửa trở lại vào ngày 26/3 sau 10 ngày ngừng hoạt động vì lo ngại tiền gửi bị rút hết. Những ngày gần đây, các máy ATM ở Cyprus thường trong tình trạng cạn tiền, và ngày càng nhiều các cửa hàng/các tổ chức ngừng chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng /thẻ tài khoản. Laiki và Bank of Cyprus hạn chế mức rút tiền 100 euro (130 USD)/ngày.
Như vậy, Cyprus đã trở thành quốc gia thứ 5 trong Eurozone phải cần tới hàng tỷ USD tiền cứu nguy để thoát cảnh vỡ nợ, theo chân Hy Lạp, Bồ Ðào Nha, Ailen và Tây Ban Nha.
Gói cứu trợ - Liều thuốc độc?
Khi cuộc khủng hoảng trước mắt đã được đẩy lui, có tâm lý lo ngại rằng thỏa thuận này sẽ "gậy ông đập lưng ông", khiến nhà đầu tư hoảng sợ và làm tổn thương những nỗ lực của Eurozone nhằm kiềm chế khủng hoảng lây lan. Theo Jane Foley, chuyên gia phân tích tại Rabobank International, gói cứu trợ Síp có thể làm thay đổi cái nhìn của người gửi tiền về độ an toàn của các ngân hàng tại Eurozone.
Đến thời điểm hiện nay, vẫn chưa rõ độ thiệt hại của những chủ tài khoản lớn ở Laiki. Nhưng giới phân tích cho rằng hầu bao của nhà đầu tư có thể bị rút ruột tới 40%. Trong khi đó, người phát ngôn của Chính phủ Cyprus Christos Stylianides phát biểu trên đài phát thanh rằng mức thiệt hại mà người gửi tiền (không được bảo hiểm) phải chịu ước khoảng 30% hoặc thấp hơn.
Trong buổi trả lời phỏng vấn Financial Times và Reuters, Chủ tịch Eurogroup nhận định những tổn thất mà người nắm giữ cổ phần, trái phiếu của ngân hàng, cũng như những người gửi tiền phải chịu là một “cách tiếp cận mặc định để giải quyết những ngân hàng ốm yếu”. Quan chức này cho rằng đây là một quy tắc kinh tế đúng đắn. Bình luận của ông Dijsselbloem về việc “người cho ngân hàng vay tiền phải chấp nhận rủi ro rằng ngân hàng có thể sụp đổ” đã gây hiệu ứng mạnh tại Eurozone, làm tăng chi phí nắm giữ trái phiếu do khối ngân hàng phát hành, đặc biệt là ở Italia và Tây Ban Nha.
Trước cảnh người gửi tiền phải chịu thua thiệt, nhiều nhà đầu tư đã rút tiền khỏi các nền kinh tế yếu kém ở Nam Âu để đưa đến những nước ổn định hơn ở phía bắc, như Đức. Mối lo của nhà đầu tư đã thể hiện rõ trên thị trường tiền tệ. Đồng euro - được hơn 330 triệu dân châu Âu sử dụng - ban đầu đã tăng lên 1,3 USD/euro sau khi có tin các bên đạt được thỏa thuận cứu trợ Cyprus, nhưng sau đó đã để tuột mốc 1,29 USD/euro (mức thấp nhất kể từ tháng 11/2012) sau khi thị trường nhận được bình luận của Chủ tịch Eurogroup. Chứng khoán châu Âu cũng để mất đà tăng ban đầu, với nhóm cổ phiếu ngân hàng rớt giá mạnh nhất, đặc biệt tại những nước có "sức khỏe" tài chính yếu kém như Italia và Tây Ban Nha.
Thỏa thuận được coi là tin tốt đối với nhiều chủ tài khoản nhỏ ở Cyprus, nhưng các quan chức thừa nhận Síp sẽ bước vào cuộc khủng hoảng sâu mà phải mất nhiều năm để phục hồi. Nhiều doanh nghiệp có thể sẽ phải đóng cửa. Giới chuyên gia dự báo kinh tế Síp sẽ sụt giảm ít nhất 10% trong năm 2013 và giảm tiếp 8% năm 2014.
Không còn là “đảo giấu tiền”
Từ nhiều năm qua, với các công ty Nga, Cyprus là thiên đường thuế. Thuế thu nhập doanh nghiệp ở đây chỉ là 10%, bằng nửa so với Nga. Vì vậy, từ đầu thập niên 90, rất nhiều doanh nghiệp Nga đã chuyển tiền vào Cyprus thông qua các "công ty ma" tại quốc đảo này. Số tiền đó sau này lại được "hồi hương" với danh nghĩa đầu tư vào các liên doanh của Nga. Theo dữ liệu của Ngân hàng trung ương Nga, Cyprus hiện là nguồn đầu tư nước ngoài hàng đầu vào Nga. Thủ tục gửi tiền vào Cyprus khá đơn giản, mà lãi suất lại cao (lên đến 6%, trong khi ở Anh là 0,5%).
Khu vực ngân hàng của Cyprus hiện nắm giữ một lượng tài sản gấp 8 lần quy mô nền kinh tế của quốc đảo này, và đã bị "tê liệt" do những tổn thất tại Hy Lạp, nơi giá trị trái phiếu của các chủ nợ tư nhân bị bốc hơi 75% năm 2012. Các ngân hàng sắp đổ đang giữ một lượng tiền gửi trị giá tỷ euro, trong đó tỷ euro thuộc các tài khoản trên 100.000 euro.
Một nửa số tiền gửi tại Cyprus thuộc về nước ngoài, chủ yếu từ Nga, Hy Lạp và Anh. Trong đó, 31 tỷ USD là từ các doanh nghiệp, ngân hàng và cá nhân Nga, theo tính toán của Moody's. Cyprus cũng là điểm đến ưa thích của người Anh về hưu, những người muốn mua nhà nghỉ dưỡng do thời tiết ấm áp. Theo The Independent, Anh có hơn 60.000 công dân đang sống ở đây với số tiền gửi 1,7 tỷ bảng (2 tỷ euro).
Một số nguồn tin cho rằng người Nga là chủ sở hữu của 1/3 lượng tiền gửi tại các ngân hàng của Cyprus . Trong một diễn biến mới đây, Tổng thống Vladimir Putin đã ra lệnh cơ cấu lại một khoản tín dụng mà Moscow dành cho Cyprus năm 2011.
Hương Giang(Tổng hợp)