Gùi nắp (có nắp đậy trên miệng) hay gùi ngăn (thường là 3 ngăn, số ít thêm ngăn sau lưng là 4) chẳng lạ gì đối với người đã từng sống ở Tây Nguyên.
Nhưng mới đây về huyện Chư Păr (Gia Lai), tôi ngỡ ngàng thấy trên vách cao của nhà anh A Lây, người Jrai (Jơ Rai) có chiếc gùi khá đặc biệt, khác hẳn với nhiều kiểu gùi được coi là hiếm mà tôi đã thấy. Tôi xin được xem thử, A Lây vui vẻ bắc thang tháo xuống và bảo:
- Cái nắp nó bị hỏng mất rồi không dùng được nữa nên treo lên trên này để giữ lại kỷ vật của ông nội thôi.
Cái gùi này ông nội anh Rơ Măm Lây tự tay làm, tuổi của nó có thể hơn tuổi A Lây (46 tuổi). Thân gùi còn khá nguyên vẹn, nhưng đã bị thủng.
- Không phải do mối mọt đục hay chuột khoét mà đạn pháo bắn đấy, A Lây quả quyết bảo vậy. Khi mình được 8-9 tuổi gì đó, nghe pháo dập, ông nội chạy từ dưới suối lên vẫn đeo cái gùi sau lưng, ẵm mình phía trước chạy xuống hầm. Rồi chẳng hiểu pháo bắn kiểu gì mà khi miếng miểng xuyên thấu hông gùi tạo ra hai cái lỗ làm nội té nghiêng qua một bên mà tay ông vẫn cố ôm chặt mình, chỉ ít giây sau, ông đứng dậy được ngay vì miểng chỉ làm lủng gùi chứ không vào người ông. Chiếc gùi bị hư vậy mà nội cứ để dành treo trên kèo nhà chứ không chịu bỏ đi cho đến khi nội mất, cha mình vẫn giữ chiếc gùi cho đến đời mình bây giờ cũng không muốn bỏ…
Thường thường chiếc gùi nắp được bện hình trụ, miệng tròn xoe có nắp đậy phía trên, nhưng chiếc gùi này có hình gần như khối hộp chữ nhật, chỉ khác là đáy gùi nhỏ hơn miệng một chút và các góc bện hơi cong chứ không vuông cạnh. Nắp gùi tuy đã hỏng phần nan nhỏ nhưng khen (cạp) vẫn còn nguyên thanh tre có bản rộng 5 phân, dày 1 phân và những thanh đỡ vẫn giữ màu vàng sậm do trước đó được nhuộm khói bếp lâu ngày. Sau khi vỗ vỗ cho mớ bụi bám bên ngoài bay đi, trên thân gùi hiện ra nhiều hoa văn như hình sóng, cánh hoa, lá cây và các hình mô phỏng theo hình học như vuông, chữ nhật, tam giác, hình thoi… Tất cả được bện nổi rất cầu kỳ. Hai hông gùi có hai ngăn như hai cái hộp đính kèm, được đan rời rồi cột luồn ‘’lóng mốt’’ (cứ một nan thân lớn kết với một nan ngăn nhỏ) bằng sợi mây rừng đã ngả màu vàng sậm rất chặt, có giật mạnh cũng không thể tách rời.
Gùi ngăn và gùi nắp trước kia thường nhỏ nhắn, xinh xắn vì chỉ dành cho phụ nữ dùng ở nhà như chiếc va li bây giờ, được gọi là gùi cái. Ngăn giữa để đựng quần áo đã gấp và những tư trang lớn, hai ngăn hai bên đựng sổ tay, khăn lau mặt, đồ để trang điểm… Các cô gái từ 12 tuổi trở lên thế nào cũng được cha mẹ đan hoặc mua cho chiếc gùi ngăn và tập cho con tự bảo vệ đồ dùng cá nhân một cách ngăn nắp. Vì lẽ đó mà gùi được đan rất công phu, nan đứng thanh thoát thôi nhưng phải đảm bảo độ cứng, lỡ khi phải di chuyển đi đâu xa trong gùi không chỉ là quần áo mà còn nhiều vật dụng cá nhân khác cũng khá nặng. Nan bện thì tròn và nhỏ như cái tăm được trau chuốt trơn tru, đặc biệt hoa văn được tạo từ những sợi mây rừng già luộc trong nước sôi lâu để mềm cho dễ bện và tránh mối mọt sau này. Thấy tôi mải mê xem chiếc gùi, A Lây kể tiếp:
- Thanh niên trai tráng chưa có vợ ngày xưa cũng có gùi nắp hoặc gùi ngăn nhưng to, cao, cục mịch lắm, gọi là gùi đực. Song chẳng hiểu ông nội bện cái này chủ tâm để dùng hay tặng cho ai mà nó lại lỡ làng thế này. Nhưng cũng vì thế mà chiếc gùi lại rất đẹp, giờ đã trở thành quý hiếm với nhiều dân tộc.
Hiện tại về các buôn làng người Ba Na, Jrai, Êđê tìm những ‘’nghệ nhân trẻ’’ biết bện những chiếc gùi mang tính sáng tạo như cha ông xưa thì vô cùng hiếm. Họ đều lắc đầu bảo rằng ‘’Xã hội ngày một phát triển, rất nhiều thứ có thể thay thế chiếc gùi nên cũng chẳng cần phải cầu kỳ làm gì cho tốn công sức’’. Nhưng tôi lại nghĩ khác, do địa hình, công việc, tập quán sinh hoạt mà chiếc gùi có lẽ còn gắn bó với đồng bào ở đây rất lâu nữa. Nhưng tôi lo sợ rằng chiếc gùi nắp, gùi ngăn, những vật dụng đã từng gắn bó với đời sống người vùng cao đang có nguy cơ bị mai một vì con cháu không kế tục và phát huy được tính sáng tạo tài hoa của ông cha mình nữa!
Ama Trung