Gương sáng bí thư chi bộ vùng cao

32 năm tuổi đảng với 19 năm làm bí thư chi bộ, ông Dương Ngọc Tòng, bệnh binh hạng hai, thôn Bản Giác, xã Hòa Mục, Chợ Mới (Bắc Kạn) đã không ngừng tự nỗ lực vươn lên làm giàu, đồng thời hết lòng giúp đỡ người dân trong bản xóa nghèo.



Ông Tòng chăm sóc đàn lợn của gia đình.


Năm 1986, người thương binh Dương Ngọc Tòng rời quân ngũ trở về địa phương. Hoàn cảnh gia đình lúc ấy hết sức khó khăn. Với sự giúp đỡ của anh em đồng đội, vợ chồng ông dựng được căn nhà lá ven suối. Cùng gia đình, ông Tòng tìm mọi cách để phát triển kinh tế. Công việc đầu tiên ông chọn là làm đậu phụ. Góp tiền lương của hai vợ chồng, ông Tòng đi thu mua đỗ tương ở các bản. Mỗi sáng khi cả Bản Giác còn chìm trong giấc ngủ, những làn sương sớm còn phủ dày trên các sườn núi, trong căn nhà vách nứa của vợ chồng ông lại lập lòe ánh đèn dầu và tiếng xay đỗ tương.

Đậu phụ của gia đình ông làm ra không cần mang ra chợ bán, người dân địa phương thường đến tận nhà để mua, nhiều hôm không đủ bán. Ông Tòng tận dụng bã đậu để chăn nuôi lợn, mỗi lứa lợn xuất chuồng, vốn thu được ông lại quay vòng mua thêm nhiều đỗ tương tích trữ và mở rộng quy mô chăn nuôi. Tiền lương hai vợ chồng dùng chi tiêu gia đình, thu nhập từ chăn nuôi và làm đậu phụ, ông Tòng tích cóp, dành dụm để mở rộng sản xuất, đầu tư sang chăn dê, chăn bò, tăng thu nhập cho gia đình.

Với sự nỗ lực không mệt mỏi, sau 7 năm ông đã dành dụm được khoản tiền kha khá và xây căn nhà hai tầng khang trang vào năm 1993. Thời điểm này ở Bản Giác có đến 90% hộ dân ở nhà gỗ, nhà tạm làm bằng tranh tre nứa lá, căn nhà hai tầng là niềm mơ ước của nhiều người trong xã, trong huyện.

Xây dựng nhà cửa khang trang, ông Tòng tiếp tục đầu tư mở rộng hệ thống chuồng trại chăn lợn, nuôi dê, bò... Ông Tòng cho biết: Đồng cỏ chăn nuôi ở Bản Giác và các thôn lân cận khá lớn, nhưng đa phần là bỏ hoang, tận dụng được những diện tích đất đồi để phát triển đàn dê, đàn bò rất hiệu quả. Từ suy nghĩ đó, ông đã mạnh dạn dồn vốn phát triển đàn bò, đàn dê. Thời điểm cao nhất gia đình ông có hơn 80 con bò và khoảng 200 con dê, hàng năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Hiện nay, ngoài làm đậu phụ, ông Tòng phát triển đa dạng chăn nuôi, từ nuôi dúi, dê, bò, hươu, lợn..., thu nhập bình quân hàng năm đạt hơn 130 triệu đồng.

Một điều đáng ghi nhận nữa ở người đảng viên, bệnh binh Dương Ngọc Tòng là luôn sẵn sàng giúp đỡ hàng xóm, anh em trong bản, trong xã phát triển kinh tế để xóa đói, giảm nghèo. “Bản Giác” theo tiếng Tày là bản nghèo. Sinh ra và lớn lên ở vùng quê này ông Tòng thấu hiểu cái khó, cái khổ của đói nghèo. Ông luôn tâm niệm, khi có điều kiện sẽ nỗ lực hết mình để giúp người dân trong bản thoát khỏi đói nghèo. Năm 1993, ông được tín nhiệm bầu làm bí thư chi bộ Bản Giác, đây là chi bộ ghép của bốn thôn lân cận. Thời gian này, ở Bản Giác không chỉ nhiều hộ nghèo, mà có rất nhiều hộ thiếu lương thực. Ông đã mua về hàng tấn gạo để dự trữ, giúp đỡ những hộ thiếu lương thực, đồng thời chia dê, chia bò, cho những hộ nghèo làm vốn phát triển kinh tế.

Nhiều hộ trong thôn khi nhận một cặp dê bố mẹ về nuôi chỉ sau từ 1 đến 2 năm đã phát triển được đàn dê 20 con và cũng nhờ cặp dê ban đầu của gia đình ông mà họ đã thoát được nghèo. Hơn chục năm qua, nhiều hộ ở Bản Giác và vùng lân cận nhờ sự giúp đỡ của gia đình ông đã thoát nghèo, vài hộ còn xóa được nhà tranh tre, tạm bợ.

Nỗ lực lao động, phát triển kinh tế gia đình, quan tâm tới công tác lãnh đạo phát triển kinh tế xã hội, tạo điều kiện giúp đỡ, động viên các hộ nghèo trong thôn phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, bí thư chi bộ Bản Giác Dương Ngọc Tòng luôn được người dân mến phục, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tin tưởng.

Bài và ảnh: X.L

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN