Mặc dù Nhà nước đã có nhiều điều chỉnh sửa đổi, bổ sung các chính sách về thuế nhưng thời gian qua, hoạt động tội phạm trong lĩnh vực thuế ở hầu hết các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội vẫn tiếp tục diễn ra với xu hướng ngày càng phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Những hành vi gian lận thuế, trốn thuế này đã gây thất thoát nghiêm trọng cho ngân sách Nhà nước.
Vô hiệu hóa chính sách
Vụ án Đỗ Tiến Dũng - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại kinh doanh vật tư thiết bị điện công nghiệp, có trụ sở tại phường Gia Thụy, quận Long Biên, và vợ là Lê Thị Ngân - Kế toán công ty, phải ra vành móng ngựa vì tội "Lưu hành giấy tờ có giá giả" trong đó có hóa đơn VAT, hiện vẫn là câu chuyện "nóng" ở Hà Nội.
Người dân được cán bộ thuế tư vấn giải đáp thắc mắc tại Cục Thuế Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hùng - TTXVN |
Từ nguồn tin của Chi cục thuế Long Biên về việc mua và sử dụng hóa đơn Giá trị gia tăng (VAT) có dấu hiệu không bình thường của Công ty TNHH Thương mại kinh doanh vật tư thiết bị điện công nghiệp, Công an quận Long Biên đã tiến hành xác minh làm rõ: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của Công ty này thể hiện là buôn bán điện tử, điện lạnh, vật liệu cách điện, cách nhiệt, máy móc..., Nhưng, từ khi thành lập đến khi hành vi phạm tội bị phát hiện, công ty không có hoạt động sản xuất kinh doanh mà chỉ chuyên mua bán hóa đơn VAT. Tổng cộng, đã bán khống 609 hóa đơn VAT với tổng số tiền 22,5 tỷ đồng, thuế VAT 1,7 tỷ đồng. Hành vi vi phạm bị lật tẩy, Đỗ Tiến Dũng phải trả giá bằng bản án 48 tháng tù giam.
Cũng tại quận Long Biên, qua thanh tra Công ty Cổ phần Thương mại và quảng cáo Đông Nhuận, tại tổ 16, phường Phúc Đồng, Cục Thuế Hà Nội đã phát hiện và đề nghị cơ quan công an xử lý hành vi trốn thuế của Công ty này với số tiền 1,277 tỷ đồng theo quy định của pháp luật. Nhưng không riêng địa bàn này, hoạt động gian lận thương mại, trốn thuế đang diễn ra phức tạp, có xu hướng gia tăng ở hầu hết các loại hình doanh nghiệp ở Hà Nội, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay. Hình thức trốn lậu thuế cũng phát sinh nhiều thủ đoạn mới, tinh vi, có tổ chức, và vi phạm với quy mô lớn, đối tượng vi phạm sử dụng công nghệ cao.
Qua thanh tra, cơ quan Thuế phát hiện Công ty TNHH Thông tin tín nhiệm và xếp hạng doanh nghiệp Việt Nam (Cty Credit Việt Nam) trốn thuế thu nhập doanh nghiệp 1,028 tỷ đồng. Hành vi trốn thuế của Công ty này là: Không ghi chép trong sổ sách kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số thuế phải nộp; sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số thuế được hoàn, đối với khoản phí thuê chuyên gia...
Hay từ đề nghị của Cục An ninh tài chính, tiền tệ, đầu tư (A84)- Bộ Công an kiểm tra việc Công ty cổ phần sản xuất và xuất nhập khẩu Vietland, kinh doanh xuất khẩu gỗ dán đã không kê khai, hạch toán trên sổ sách kế toán, cơ quan chức năng đã xác định công ty này trốn lậu thuế 606,9 tỷ đồng. Gần đây, Công ty Cổ phần tập đoàn Y dược Bảo Long "quên" không nộp hồ sơ khai thuế, bỏ ngoài sổ sách hàng trăm triệu đồng tiền thuế, đã xử lý hành vi trốn thuế của doanh nghiệp với số tiền 9,8 triệu đồng...
Nói về các thủ đoạn trốn thuế của doanh nghiệp, Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng phòng CSĐTTP về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46), CATP Hà Nội, lo ngại: Vi phạm và tội phạm trong lĩnh vực thuế đang ngày càng phức tạp, có xu hướng gia tăng nghiêm trọng. Riêng năm 2011, PC 46 đã điều tra xử lý 204 vụ, 215 đối tượng, thu hồi cho ngân sách Nhà nước 123,07 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần so với năm trước.
Vạch mặt thủ đoạn tinh vi
Lật những trang tài liệu về hoạt động tội phạm trong lĩnh vực thuế mới thấy toàn cảnh vi phạm: 5 năm qua (2008-2012), Cục Thuế Hà Nội và Công an thành phố đã phối hợp điều tra, xử lý 2.379 vụ việc liên quan đến loại tội phạm này. Trong đó, ngành thuế chuyển cơ quan công an 850 vụ, cơ quan Công an chuyển ngành thuế 1.529 vụ; đã xử lý truy thu, phạt vi phạm về thuế là 89 tỷ đồng. Đáng lo hơn, trong 10 sắc thuế Nhà nước ban hành, thì có 5 sắc thuế bị tội phạm lợi dụng nhiều nhất là thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế xuất nhập khẩu và thuế Nhà đất.
Theo Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng phòng CSĐTTP về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46), CATP Hà Nội: Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tiền ngân sách Nhà nước qua hoàn thuế VAT đang diễn biến phức tạp nhất. Thủ đoạn mới của chúng là hình thành các công ty mẹ - con, lập nhiều doanh nghiệp, mở chi nhánh ở nhiều địa phương để xuất hóa đơn VAT mua bán hàng hóa lòng vòng với nhau mà không có hàng hóa, thậm chí ghi giá trị bán thấp hơn giá đầu vào... để làm thủ tục hợp thức hóa bộ hồ sơ xin hoàn thuế nhằm chiếm đoạt tiền ngân sách Nhà nước.
"Riêng lĩnh vực xuất nhập khẩu, còn có mánh "Down" giá hàng hóa nhập khẩu - nghĩa là ghi giá trong hợp đồng thấp hơn so với giá trị thực tế - khai sai chủng loại hàng hóa, từ hàng có giá trị cao, đời mới thành hàng có giá trị thấp, đời cũ. Thậm chí, họ biến hàng mới 100% thành hàng đã qua sử dụng; lợi dụng các chế độ ưu đãi để nhập khẩu thêm nhiều hàng hóa"- Đại tá Hùng nói.
Đại tá Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng An ninh kinh tế (Phòng PA 81), CATP Hà Nội, cũng cho biết: Tình trạng hạch toán lỗ và làm thủ tục giải thể sau một thời gian hoạt động, cũng như lợi dụng chính sách thuế ưu đãi đầu tư, chuyển hình thức sản xuất kinh doanh và xuất khẩu để trốn thuế, tránh thuế thông qua các hoạt động giao dịch liên kết, chuyển giá với số lượng ngày càng lớn, hành vi ngày càng phức tạp đã gây khó khăn cho cơ quan quản lý và gây thất thu cho ngân sách Nhà nước. "Nhưng đáng báo động là nạn chuyển giá, báo lỗ giả nhằm trốn thuế của các doanh nghiệp FDI. Đến thời điểm này, Hà Nội có gần 11 vạn doanh nghiệp, riêng doanh nghiệp FDI có trên 2000. Số doanh nghiệp thành lập mới lại tăng nhanh, cứ trung bình là 1,5 vạn doanh nghiệp một năm, trong đó có khoảng 300 doanh nghiệp FDI. Trong số đó, không ít các doanh nghiệp này chuyên lách luật, tìm kẽ hở để vô hiệu hóa các sắc thuế Nhà nước" - Đại tá Nguyễn Anh Tuấn chỉ rõ.
Phó Cục trưởng Cục thuế Hà Nội Nguyễn Văn Mơ cũng cảnh báo: Thông tư 129/2008/TT-BTC về "Điều kiện, chứng từ thanh toán qua ngân hàng để được khấu trừ, hoàn thuế VAT" và Nghị định số 51/2010/NĐ-CP của Chính phủ về hóa đơn bán hàng, cung ứng dịch vụ, là nhằm hạn chế doanh nghiệp mua hóa đơn để hợp thức hóa đầu vào, là tiền đề hướng tới quản lý 100% giao dịch đều phải qua ngân hàng. Từ đó, hạn chế rủi ro về thuế, áp dụng hiệu quả trong kiểm soát tài sản của các tổ chức, cá nhân, chống tham nhũng.
"Nhưng doanh nghiệp đã tìm ra cách "lách luật" như: Các bên thanh toán nếu hợp đồng ký thời hạn thanh toán ngắn khi đến thời hạn không thanh toán được thì gia hạn, lập phụ lục để đối phó với cơ quan thuế; chia nhỏ hóa đơn để giá trị hóa đơn nhỏ hơn 20 triệu đồng; thay vì một tháng nhập hàng hóa một lần và viết một hóa đơn thì nay nhập thành nhiều lần, viết nhiều hóa đơn trong tháng để có giá trị nhỏ hơn 20 triệu đồng..." - Ông Nguyễn Văn Mơ cho biết.
Mạnh tay trấn áp
Mới đây, theo đánh giá của liên ngành thuế - công an Hà Nội, sự phối hợp giữa hai lực lượng này trong thời gian qua đã tạo ra sức mạnh tổng hợp để trấn áp có hiệu quả hoạt động tội phạm trong lĩnh vực thuế, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, đồng thời, có tác dụng tuyên truyền, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của người nộp thuế.
Nhưng công tác đấu tranh với loại tội phạm này cũng đang lộ rõ nhiều bất cập. Nổi lên là việc triển khai quy chế phối hợp tại một số địa bàn còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao. Công tác nắm bắt tình hình, dự báo, nhận dạng các hành vi tội phạm mới về thuế cũng hạn chế. Một số thông tin do hai ngành đã cung cấp cho nhau lại chưa sát thực, dẫn đến lãng phí thời gian, kinh phí trong việc xác minh. Lãnh đạo hai ngành tại một số nơi chưa thật sự chú trọng phối hợp, chưa chủ động trao đổi thông tin nhằm phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm. Việc đấu tranh với hành vi vi phạm đôi khi còn chưa quyết liệt, thiếu thuyết phục khiến một số vụ việc kéo dài, không xử lý được.
Trong khi đó, theo nhận định của liên ngành thuế - công an, tình hình kinh tế thế giới và trong nước hiện đang có nhiều khó khăn, đối tượng gian lận thuế sẽ sử dụng nhiều thủ đoạn, kỹ năng tinh xảo với công nghệ cao để thực hiện hành vi trốn thuế. "Trước bối cảnh đó, liên ngành thuế - công an đã họp bàn, đưa ra nhiều biện pháp đối phó, trấn áp loại tội phạm này. Cụ thể, hai lực lượng sẽ phối hợp chặt chẽ hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho mỗi cơ quan phát huy khả năng, chủ động trong công tác nghiệp vụ nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp trấn áp tội phạm. Thời gian tới, sẽ tập trung thanh tra lĩnh vực quản lý, sử dụng hóa đơn tự in, doanh nghiệp nợ đọng thuế quy mô lớn, một số doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá, báo cáo lỗ liên tục. Nhưng để phòng, chống hiệu quả hơn nữa, bên cạnh sự phối hợp chặt chẽ giữa liên ngành thuế- công an, cần thêm sự vào cuộc đồng bộ của Viện kiểm sát và Tòa án nhân dân nhằm kịp thời phát hiện, ngăn ngừa, xử lý nghiêm minh" - Cục trưởng Cục Thuế thành phố Hà Nội Phi Vân Tuấn cho biết.
Tới đây, liên ngành Thuế - Công an sẽ xây dựng quy chế để phối hợp chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, cơ quan Thuế cần đẩy mạnh thanh, kiểm tra chống thất thu thuế, kiên quyết xử lý các trường hợp có hành vi vi phạm và tội phạm trong lĩnh vực thuế. "Nếu phát hiện dấu hiệu tội phạm phải thiết lập hồ sơ chặt chẽ chuyển cho cơ quan điều tra. Đối với các doanh nghiệp cố tình chây ỳ, Cục Thuế Hà Nội phối hợp với cơ quan công an đề nghị lên UBND TP Hà Nội rút giấy phép kinh doanh” - Thiếu tướng Trần Thùy, Phó giám đốc CATP Hà Nội nhấn mạnh.
Anh Tùng