Tại kỳ họp HĐND thành phố Hà Nội lần thứ 8, khóa 14, các đại biểu đã bàn thảo nhiều vấn đề và cũng đưa ra rất nhiều giải pháp để phát triển trong năm 2014; trong đó, nổi bật nhất là việc Hà Nội sẽ thành lập thêm 2 quận mới, tăng cường quản lý xây dựng cơ bản và lấy năm 2014 là Năm trật tự văn minh đô thị.
Quyết liệt thực hiện các giải pháp
Phát biểu kết thúc kỳ họp HĐND thành phố Hà Nội vào chiều 6/12, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo khẳng định: “Ngay từ đầu năm 2014, UBND thành phố sẽ tập trung quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp mà HĐND đã quyết nghị tại kỳ họp này. UBND thành phố sẽ tập trung trả nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB); không làm phát sinh nợ mới, đồng thời tăng cường trách nhiệm quản lý. Đặc biệt, tập trung tháo gỡ khó khăn phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng cao hơn và bền vững hơn”.
Tình hình giao thông Thủ đô tiềm ẩn nhiều phức tạp dù đã cải thiện đáng kể. Lê Phú |
Để trả nợ cũ, trong kế hoạch phân bổ vốn đầu tư XDCB năm 2014, thành phố ưu tiên thanh toán nợ. Đối với cấp thành phố, khối lượng thi công vượt kế hoạch là 1.300 tỷ đồng năm 2013 đã bố trí hơn 300 tỷ đồng, năm 2014 bố trí hơn 900 tỷ đồng. Như vậy, năm 2014, ngân sách cấp thành phố cơ bản xử lý xong nợ. Đối với cấp quận, huyện tiếp tục bố trí ngân sách năm 2013-2014 và 2015 phải xử lý xong nợ. UBND thành phố tăng cường kiểm soát XDCB, chỉ bố trí vốn cho những công trình cấp thiết, dân sinh bức xúc, tập trung nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới nhưng thực thi phải theo khả năng thực tế.
“Các đại biểu đã đóng góp các giải pháp trước mắt cũng như lâu dài để thành phố khắc phục những yếu kém”.
Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội, Ngô Thị Doãn Thanh |
Đặc biệt, năm 2014 được xác định là “Năm trật tự văn minh đô thị”, UBND thành phố sẽ kiên quyết chỉ đạo các giải pháp lập lại trật tự kỷ cương trật tự đô thị và xây dựng nếp sống văn minh đô thị đối với tất cả các ngành, các lĩnh vực, cơ quan, đơn vị.
“Hành vi gây mất trật tự đô thị diễn ra muôn hình, muôn vẻ. Do đó, nếu chúng ta không giữ gìn, không lập lại trật tự đô thị thì sẽ mất đi hình ảnh một Thủ đô văn hiến, mất đi nét đẹp, thanh lịch của người Tràng An”, ông Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh.
Sẽ thêm 2 quận mới
Tại phiên họp sáng 6/12, HĐND thành phố Hà Nội đã thảo luận thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới huyện Từ Liêm để thành lập 2 quận và 23 phường.
Trước khi biểu quyết thông qua Nghị quyết, các đại biểu đã họp ở tổ cho ý kiến về việc điều chỉnh địa giới huyện Từ Liêm. Tại cuộc họp tổ, ông Lê Văn Thư, Bí thư Huyện ủy Từ Liêm cho biết: “Thời gian qua, đã có 82,5% đại diện tổng số hộ dân trên địa bàn tham gia lấy ý kiến về việc điều chỉnh địa giới; có tới 99,9% người dân đồng thuận tách huyện Từ Liêm thành 2 quận. Nhân dân còn nhiều ý kiến khác nhau về đặt tên mới cho 2 quận. Theo tổng hợp, có tới 25 cặp tên được đề xuất như: Bắc Từ Liêm - Nam Từ Liêm; Từ Liêm - Mỹ Đình; Từ Liêm - Trần Duy Hưng… Thống kê cho thấy, có tới 90,5% người dân đồng ý lấy tên 2 quận mới là Bắc Từ Liêm - Nam Từ Liêm; 7,6% lấy tên Từ Liêm - Mỹ Đình.
Cũng trong ngày 6/12, HĐND thành phố Hà Nội thông qua Nghị quyết đặt tên mới cho 28 đường, phố (trong đó có 11 đường, phố mang tên địa danh, 1 phố mang tên di tích lịch sử văn hóa; 16 đường, phố mang tên danh nhân) và điều chỉnh độ dài của 6 tuyến đường. |
Đáng chú ý là tên gọi của các phường mới, người dân có đề xuất gọi theo lịch sử truyền thống như xã Đông Ngạc chia tách thành 2 phường: Đông Ngạc và Đức Thắng; xã Xuân Đỉnh chia tách thành 2 phường: Xuân Đỉnh - Xuân Tảo; xã Phú Diễn chia tách thành Phú Diễn và Phúc Diễn…
Tại cuộc thảo luận, các đại biểu cho rằng việc chia tách xã thành phường theo tên gọi truyền thống hợp lý hơn; đồng thời đề xuất sau khi Chính phủ phê duyệt việc điều chỉnh địa giới, thành phố Hà Nội sớm ổn định tổ chức, bộ máy để sớm đi vào hoạt động.
HĐND thành phố đã biểu quyết thông qua Nghị quyết điều chỉnh địa giới huyện Từ Liêm để thành lập 2 quận và 23 phường với tỷ lệ 100% đại biểu có mặt. Sau khi Nghị quyết được thông qua, UBND thành phố Hà Nội sẽ tiến hành trình nội dung trên để Chính phủ xem xét quyết định.
Xuân Cường