Quốc hội mới của Italy ngày 16/3 đã bầu hai nhân vật thuộc liên minh trung tả vào chức chủ tịch Hạ viện và Thượng viện sau hai ngày bỏ phiếu, mở đường cho các cuộc đàm phán dự kiến còn đầy khó khăn về việc thành lập một chính phủ mới. Các nghị sĩ tham dự phiên họp Quốc hội ngày 15/3. Ảnh: AFP/TTXVN |
Bà Laura Boldrini, 52 tuổi, người của đảng Cánh tả, Môi trường và Tự do (SEL) thuộc liên minh trung tả và từng là Người phát ngôn tại Cao ủy Liên hợp quốc về Người tị nạn, đã được bầu làm Chủ tịch Hạ viện gồm 630 ghế. Còn cựu công tố viên chống maphia Pietro Grasso, tuổi, người của đảng Dân chủ (PD) trung tả, được bầu làm Chủ tịch Thượng viện gồm 315 ghế.
Trong cuộc bỏ phiếu ngày 16/3, bà Boldrini đã giành 327 phiếu để có được đa số ủng hộ tại Hạ viện. Tại Thượng viện, ông Grasso đã đánh bại ứng cử viên Renato Schifani của phe trung hữu với tỷ lệ 137/117.
Kết quả nói trên được coi là thắng lợi bước đầu của liên minh trung tả trong bối cảnh liên minh này vẫn chưa thuyết phục được đảng Phong trào 5 Sao (M5S) của danh hài Beppe Grillo cùng cộng tác để đảm bảo một đa số vững chắc tại Thượng viện. Đây cũng là một bước tiến hướng tới việc chấm dứt tình trạng bế tắc chính trị ở Italy sau cuộc tổng tuyển cử tổ chức hồi tháng trước mà không có đảng nào giành được thắng lợi rõ ràng.
Liên minh trung tả trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua đã giành được tỷ lệ phiếu bầu cao nhất, nhưng chỉ đảm bảo được đa số ổn định tại Hạ viện trong khi không nắm được quyền kiểm soát Thượng viện. Thủ lĩnh phe trung tả, ông Pier Luighi Bersani, đã bác bỏ khả năng liên minh với phe trung hữu của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi, trong khi danh hài Beppe Grillo thì đến nay vẫn khẳng định M5S sẽ không liên minh với bất kỳ đảng nào.
Tổng thống Italy Giorgio Napolitano sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào ngày 15/5. Ông dự kiến bắt đầu tham vấn với các chính đảng về tiến trình thành lập chính phủ mới vào tuần tới. Do lo ngại về nguy cơ xảy ra bất ổn, Tổng thống Napolitano vừa ra một tuyên bố nói rằng Thủ tướng tạm quyền Mario Monti nên tiếp tục chức vụ của mình cho đến khi một chính phủ mới được thành lập.
Hiện nay, dư luận đang đồn đoán về khả năng các liên minh chính trị nào sẽ được hình thành. Theo nhiều nhà phân tích ở Italy, mặc dù các vị trí lãnh đạo quốc hội đã được quyết định, nhưng có nguy cơ bất kỳ một bộ máy hành pháp nào được thiết lập sắp tới đều sẽ không ổn định. Vì vậy, khả năng bầu cử lại cũng có thể xảy ra. Nếu như vậy, điều này sẽ càng làm trầm trọng thêm tình trạng bất ổn và khiến cộng đồng quốc tế lo ngại rằng Italy không có đủ khả năng để giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội của mình.
TTXVN/Tin tức