Hăm ba ông Táo về Trời…

Từ thuở con người bắt đầu từ bỏ cung cách ẩm thực “ăn sống nuốt tươi”, cái bếp đã dần trở thành vô cùng quan trọng. Bởi bếp là nguồn sống; là nơi phát khởi, lưu giữ sự ấm và sự no.


Chính thế mà bếp trở thành quan trọng đến mức linh thiêng đòi hỏi phải có sự trấn giữ của thần nhân. Vị thần nhân ấy là ai? Là Ông Táo - tức Táo Quân, Táo Công - hay gọi nôm na hơn, là… Vua Bếp!


Vua Bếp là một sản phẩm của con người; chắc thế. Nhưng phải nói đó là một sản phẩm độc đáo; một sản phẩm vừa huyền thoại, vừa thực thể; một biểu tượng vừa xa, vừa gần. Xa vì chức tước; nhưng lại gần vì… “cơ quan trấn nhậm” rất chi dân dã: bầu bạn với… mèo, sẻ chia chuyện nồi xoong, tỏi hành, mắm muối với nhân gian. Chính cái vị trí độc nhất vô nhị ấy khiến Vua Bếp được người đời kính mà vẫn thân - không sợ hãi; nhưng cũng chẳng hề dám coi thường…


Giống như các quan trấn nhậm địa phương; họa hoằn lâu lâu mới được một chuyến “về kinh”; Táo Quân cũng lam lũ cả năm mới được một lần mũ áo thong dong lên… trời mà diện kiến Ngọc Hoàng Thượng Đế! Sự kính trọng ngài được chúng dân thể hiện bằng lễ cúng tiễn tối hăm hai rạng sáng hăm ba tháng Chạp. Tư trang của ngài được sắm sanh đầy đủ - từ mũ, áo, hia… đến cả… cá chép để ngài cưỡi đi đường. Nói đầy đủ thì… hơi quá. Chính xác hơn, phải kèm thêm chữ “gần như”; bởi có một món không bao giờ hiện diện trong lễ cúng Táo Quân - ấy là… cái quần để Vua Bếp mặc! Chuyện này, truyền thuyết không hề đả động; chỉ biết đó là một qui ước tự ngàn xưa. Cái qui ước khó hiểu này đã khiến đời sau lắm phen thắc mắc, đoán già đoán non. Có vị văn nhân lắm điều còn cao hứng… mần thơ cho hậu thế ngâm nga:


Hăm ba, ông Táo dạo chơi xuân


Đội mão, đi hia, chẳng mặc quần


Giời hỏi: làm sao ăn mặc thế?


Thưa rằng: hạ giới nó… duy tân!


Ấy là nói chuyện “cà tửng” cho vui; chứ theo tôi - sau này ngẫm ra - tôi mới thấy chuyện “áo dài, quần đùi” của Táo Quân hoàn toàn không phải là chuyện ngẫu nhiên. Rõ ràng, người nông dân khi sáng tạo ra hình ảnh Táo Quân, tưởng tượng ra phục trang của Táo Quân là có chủ ý hẳn hoi! Ông Táo là “vua”, đương nhiên phải áo mão, giày vớ như “vua”; nhưng nếu áo quần ngài mà đủ đầy không khiếm khuyết - hay thay vì cá chép ngài lại cưỡi… ngựa mà lên trời - thì cái chất nông dân trong vị “vua” dân dã này rõ ràng là đã vơi đi.

Áo mão dù sang trọng đến đâu; nhưng đôi chân “ống xì đồng” của ngài còn lấp ló sau vạt áo dài kia đủ thấy ngài gần gũi với những người nông dân quần cộc, áo nâu đến bực nào! Thâm thúy thay! Hình ảnh Táo Quân không… mặc quần quả có hài hước; nhưng cái hài hước ấy chỉ chế bớt sự nghiêm trang mà không đánh mất sự nghiêm trang. Thích đùa, biết đùa - và đùa một cách thâm thúy, sâu xa - ấy chính là căn nguyên, là bước khởi đầu của tư duy minh triết! Hơn thế, qua hình ảnh Táo Quân, phải chăng người nông dân còn muốn gửi gắm ước mơ về hình ảnh một vị “phụ mẫu chi dân” sống gần gũi, hòa đồng, cảm thông với những nỗi niềm, những tâm tư, tình cảm của nhân dân.


Y Nguyên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN