Tiếp tục kỳ họp thứ 6, ngày 8/11, Quốc hội làm việc ở Hội trường, nghe báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế giai đoạn 2009 - 2012 và thảo luận về nội dung trên.
Gần 70% dân số tham gia BHYT
Báo cáo về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế giai đoạn 2009 - 2012 cho thấy, đến cuối năm 2012, gần 70% dân số cả nước đã tham gia bảo hiểm y tế, với phần đóng góp của người lao động, người sử dụng lao động và người dân chiếm khoảng 58% trong tổng thu bảo hiểm y tế, tạo nền móng quan trọng để tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân. Nhiều tỉnh miền núi và Tây Nguyên gần hoàn thành việc thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân. Quỹ bảo hiểm y tế từ chỗ bị bội chi đến năm 2012 đã cân đối và có kết dư.
Đại biểu Nguyễn Minh Phương (Cần Thơ) phát biểu.Lâm Khánh – TTXVN |
Tuy vậy, thời gian qua, việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập. Trong khi tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế bình quân cả nước là gần 70%, vẫn còn một số địa phương có tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế thấp. Bên cạnh nhiều tỉnh có quỹ bảo hiểm y tế kết dư hàng trăm tỷ đồng chưa được phân bổ lại để sử dụng, một số địa phương liên tục bội chi quỹ bảo hiểm y tế và nhận sự hỗ trợ của quỹ trung ương nhiều năm mà chưa có cơ chế giải quyết hữu hiệu; chưa có giải pháp để thúc đẩy nhóm đối tượng có tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế thấp; chưa có cơ chế cụ thể để tạo điều kiện cho các nhóm cuối cùng tham gia lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân vào năm 2014.
Chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ở tuyến dưới chưa đáp ứng yêu cầu do hạn chế về nhân lực chuyên môn và kỹ thuật y tế đã gây nên tình trạng quá tải, chờ đợi lâu ở các bệnh viện tuyến trên. Tinh thần thái độ và y đức của cán bộ y tế chậm được cải thiện đã tạo tâm lý lo ngại đối với người tham gia bảo hiểm y tế và xã hội. Các hình thức lạm dụng quỹ bảo hiểm y tế, nhất là tại các bệnh viện ngày càng tinh vi, khó kiểm soát và phát hiện, song chưa có công cụ và biện pháp hiệu quả để kiểm soát.
Cơ bản đồng tình với Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu đánh giá kết quả đạt được trong thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế trong thời gian qua là đáng ghi nhận. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại vướng mắc liên quan đến các thủ tục về bảo hiểm y tế; chính sách khuyến khích đối với đại lý bảo hiểm địa phương chưa được quan tâm; bệnh nhân đến khám tuy có nhiều thuận lợi hơn nhưng danh mục thuốc còn hạn chế. Người dân lo ngại về trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ y tế tuyến dưới nên tập trung khám chữa bệnh lên tuyến trên khiến nhiều bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải...
Cần nâng cấp toàn diện các cơ sở y tế
Liên quan đến việc khám, chữa bệnh vượt tuyến, trái tuyến, gây quá tải ở tuyến tỉnh và trung ương, đại biểu Nguyễn Minh Phương (Cần Thơ) dẫn chứng: Tình trạng khám trái tuyến, vượt tuyến ngày càng tăng từ 3 triệu lượt năm 2010 lên 11,6 triệu lượt năm 2012. Một số bệnh viện phải sử dụng 50 - 70% quỹ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế để chi trả cho khám trái tuyến, vượt tuyến trong khi không thể kiểm soát được phần chi phí này, khi đó các cơ sở y tế tuyến trên tăng cường và lạm dụng sử dụng dịch vụ y tế kỹ thuật cao với chi phí lớn.
Theo đại biểu, nguyên nhân do người bệnh lo ngại về trình độ chuyên môn, kỹ thuật, trang thiết bị tại y tế tuyến dưới. Đại biểu Nguyễn Minh Phương đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đồng đều cho các tuyến đặc biệt là tuyến tỉnh để phù hợp thực tế hơn; có cơ chế tài chính, biện pháp đặc thù tạo điều kiện để các bệnh viện tỉnh phát triển kỹ thuật cao như ở tuyến trung ương bằng nguồn vốn phát triển sự nghiệp của đơn vị.
Cùng quan điểm trên, đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần ưu tiên vốn ngân sách đầu tư, mở rộng mạng lưới khám, chữa bệnh đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe và nâng cao chất lượng điều trị, tăng cường xã hội hóa y tế, đa dạng các hình thức khám, chữa bệnh để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân, đẩy mạnh việc nâng cấp toàn diện các cơ sở y tế, nhất là tuyến y tế cơ sở.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thẻ BHYT
Việc cấp, quản lý thẻ bảo hiểm y tế là một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, góp ý kiến. Đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) dẫn chứng: tình trạng trùng thẻ bảo hiểm y tế ở các đối tượng do ngân sách hỗ trợ xảy ra ở nhiều tỉnh, trong đó cá biệt có người nhận 4-5 thẻ bảo hiểm y tế. Giai đoạn 2009-2012 qua rà soát 42 tỉnh đã phát hiện gần 800 ngàn thẻ bảo hiểm y tế cấp trùng. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần khẩn trương triển khai đề án ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, đảm bảo kết nối thông tin giữa các đơn vị trong ngành bảo hiểm y tế và những người dân tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, chỉ sử dụng một mã số duy nhất nhằm thanh toán chính xác, kịp thời chi phí khám, chữa bệnh và khắc phục tình trạng cấp trùng bảo hiểm y tế.
Đại biểu đề nghị Bảo hiểm Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan tổ chức triển khai phần mềm quản lý khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế thống nhất trong cả nước và kết nối với nhau từ cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu đến cả tuyến trung ương. Mỗi người chỉ có một mã thẻ bảo hiểm y tế cho riêng mình để công tác quản lý bảo hiểm y tế được chính xác, đạt hiệu quả cao, hạn chế tiêu cực; đồng thời theo dõi xuyên suốt quá trình điều trị bệnh cho bệnh nhân.
TTN