Tại Hội thảo khoa học “Mô hình quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) ở Việt Nam” diễn ra sáng nay (27/4), GS.TS Nguyễn Công Nghiệp, Trưởng Khoa Tài chính, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho biết: Việc làm thế nào quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp hiệu quả, tách bạch được chức năng quản lý nhà nước và chức năng đại diện chủ sở hữu luôn là điều trăn trở của Đảng và Nhà nước nhiều năm qua.
GS.TS Nguyễn Công Nghiệp, Trưởng Khoa Tài chính, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội và ông Phạm Văn Hoành, Tổng biên tập Thời báo Tài chính Việt Nam đồng chủ trì. |
Quán triệt tinh thần Nghị quyết đại hội Đảng lần thứ XII, Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện Đề án thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với DNNN và vốn nhà nước tại doanh nghiệp để báo cáo Bộ Chính trị và Trung ương xem xét quyết định.
Dù có nhiều ý kiến khác nhau được đưa ra, nhưng đến nay Đề án được chốt lại ở hai mô hình quản lý chính để lựa chọn.
Một là mô hình cơ quan chuyên trách là cơ quản lý nhà nước, với việc thành lập một cơ quan nhà nước thuộc Chính phủ làm nhiệm vụ quản lý sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Hai là mô hình cơ quan chuyên trách là doanh nghiệp, theo đó sẽ thành lập một DNNN làm nhiêm vụ quản lý và đầu tư kinh doanh vốn nhà nước trên cơ sở nâng cấp Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), giao thêm nhiệm vụ quyền hạn và nâng cao địa vị pháp lý để thực hiện nhiệm vụ này.
Theo TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cơ quan quản lý vốn nhà nước phải là một nhà đầu tư chủ động, trả lời được các câu hỏi mà hiện tại Chính phủ cũng không dễ đưa ra như: Hiện đang có bao nhiêu tài sản công có tính thương mại, nằm ở đâu, dưới dạng nào, cái nào đang sinh lợi, cái nào kém hiệu quả, cái nào cần tiếp tục để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế hay vốn “mồi”, cái nào cần thoái để trả lại không gian cho đầu tư tư nhân?...Tuy nhiên, quan trọng nhất là sẽ không có một cơ quan vừa làm chức năng hoạch định chính sách, điều tiết, quản lý thị trường, lại vừa quyết định đầu tư, kinh doanh.
“Dù gọi với cái tên gì đi chăng nữa, thì cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp sẽ phải hạn chế tối đa sự can thiệp hành chính và can thiệp chính trị mang tính vụ việc vào quản lý và sử dụng tài sản nhà nước, làm sai lệch mục tiêu chiến lược và dài hạn của đầu tư nhà nước”, TS Cung nói.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Công nghiệp, Việt Nam từng đã có những mô hình như Tổng cục Quản lý vốn và tài sản Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính, sau đó là mô hình Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (hay còn gọi là SCIC) trực thuộc Chính phủ.
Ở mỗi giai đoạn khác nhau, các mô hình trên đều phát huy tác dụng bước đầu và đạt được nhiều thành quả quan trọng. Tuy nhiên, còn tồn tại những hạn chế nhất định và đến nay vẫn chưa có được mô hình tổ chức nào quản lý vốn nhà nước đáp ứng được yêu cầu. Chính vì lẽ đó, việc sử dụng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp nhà nước vẫn còn kém hiệu quả, Tiến sĩ Nguyễn Công nghiệp.
Tiến sĩ Nguyễn Viết Lợi, Viện trưởng, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, nhấn mạnh, mô hình tập trung trong quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là xu thế chung đang được đa phần các nước trên thế giới áp dụng; trong đó, mô hình công ty là mô hình chiếm ưu thế.
Tuy nhiên cần hiểu sự tập trung là ở mức độ tương đối. Những nước áp dụng thành công mô hình này đều có các doanh nghiệp nhà nước đặc thù khác nhau thuộc quản lý của các bộ, cơ quan thực hiện việc quản lý và làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước.
Ông Lợi cũng cảnh báo: việc tập trung sức mạnh của các doanh nghiệp nhà nước lớn và quan trọng trong các lĩnh vực, ngành then chốt vào một tổ chức có thể làm tăng nguy cơ rủi ro, phát sinh những vấn đề về tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các đơn vị, đặc biệt là trong môi trường quản lý yếu kém.
Theo ông Phạm Đức Trung, Trưởng Ban cải cách và phát triển doanh nghiệp- CIEM, về tổng thể, cả hai mô hình đều đáp ứng mục tiêu quan trọng nhất là tách chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp ra khỏi cơ quan quản lý hành chính nhà nước.
Xét về từng mặt cụ thể, mỗi mô hình đều có những ưu, nhược điểm nhất định. Mô hình cơ quan quản lý có ưu điểm là vị thế pháp lý và chính trị mạnh hơn mô hình doanh nghiệp. Tuy nhiên, do là cơ quan nhà nước nên việc khuyến khích động lực và trách nhiệm nâng cao hiệu quả quản lý chưa rõ ràng và cụ thể như mô hình doanh nghiệp. Hơn nữa, chế độ viên chức nhà nước không đủ linh hoạt, tự chủ và nhạy bén với thay đổi của thị trường.
Cùng băn khoăn về tính hiệu quả của mô hình Uỷ ban, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho rằng cần cân nhắc rất kỹ tính hiệu quả, thông suốt khi vai trò, nhiệm vụ của Ủy ban như là một Hội đồng thành viên cho tất cả các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty do Ủy ban quản lý và sự khác biệt giữa quản trị của cơ quan hành chính nhà nước với quản trị doanh nghiệp khi thực thi các quyền, nghĩa vụ của đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.
"Thực hiện theo mô hình này rất khó minh bạch giữa quản lý nhà nước với quản trị doanh nghiệp, làm giảm hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, không thúc đẩy công khai, minh bạch trong hoạt động điều hành sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, sẽ là môi trường cho lợi ích nhóm, cho lãng phí, tham nhũng và tiêu cực trong quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp", ông Đặng Quyết Tiến nói.