Hỏi: Hạn mức rừng phòng hộ, rừng sản xuất giao cho mỗi gia đình, cá nhân được quy định như thế nào?
Anh Điểu H’Ré (huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông)
Trả lời: Điểm 1 và 2 Điều 22 của Nghị định 23/2006/NĐ-CP về thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng, quy định như sau:
1. Hạn mức rừng phòng hộ, rừng sản xuất giao cho mỗi gia đình, cá nhân không quá 30 hécta đối với mỗi loại rừng. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân đã được giao đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thuỷ sản, đất làm muối lại được giao thêm rừng phòng hộ, rừng sản xuất thì diện tích rừng phòng hộ, rừng sản xuất giao thêm cho mỗi hộ gia đình, cá nhân không quá 25 hécta.
2. Trường hợp diện tích giao rừng cho mỗi hộ gia đình, cá nhân vượt quá hạn mức quy định tại khoản 1 điều này, thì số diện tích vượt quá hạn mức phải chuyển sang thuê rừng theo quy định như sau:
a) Hộ gia đình, cá nhân sử dụng diện tích rừng được giao trước ngày 1/1/1999 nếu có diện tích vượt hạn mức thì diện tích vượt hạn mức đó được tiếp tục sử dụng với thời hạn bằng 1/2 thời hạn được ghi trong quyết định giao rừng, sau thời hạn đó hộ gia đình, cá nhân phải chuyển sang thuê rừng theo Luật Bảo vệ và phát triển rừng đối với diện tích vượt hạn mức.
b) Hộ gia đình, cá nhân sử dụng diện tích rừng được giao từ ngày 1/1/1999 đến trước ngày 1/4/2005 mà có diện tích vượt hạn mức mà đã chuyển sang thuê rừng thì được tiếp tục thuê rừng theo thời hạn còn lại trong hợp đồng thuê rừng; trường hợp chưa chuyển sang thuê rừng thì phải chuyển sang thuê rừng kể từ ngày 1/4/2005 (ngày Luật Bảo vệ và phát triển rừng có hiệu lực) thời hạn thuê rừng là thời hạn còn lại của thời hạn đã ghi trong quyết định giao rừng đó.
c) Hộ gia đình, cá nhân được giao rừng sau ngày 1/4/2005 mà có diện tích vượt hạn mức, thì diện tích vượt hạn mức phải chuyển sang thuê rừng kể từ ngày 1/4/2005, thời hạn thuê rừng là thời hạn còn lại của thời hạn ghi trong quyết định giao rừng đó.
Theo Ủy ban Dân tộc