Khoảng 100 quả đạn pháo được bắn từ phía CHDCND Triều Tiên đã rơi xuống
vùng biển Hàn Quốc. Quân đội Hàn Quốc ngay lập tức đáp trả dữ dội. Vụ
đấu pháo trên biển giữa hai miền Triều Tiên càng làm nóng hơn nữa căng
thẳng trên bán đảo và khiến cộng đồng thế giới lo lắng. Lính thủy đánh bộ Hàn Quốc diễn tập đổ bộ trên bãi biển trong cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn Quốc tại Pohang, cách thủ đô Seoul 270 km, ngày 31/3. Ảnh: AFP-TTXVN |
Căng thẳng quanh vùng biển tranh chấp
Theo thông tin từ cuộc họp báo khẩn cấp của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, quân đội Triều Tiên đã bắn khoảng 500 loạt đạn pháo trong khoảng thời gian từ 12h15 đến 15h ngày 31/3 (giờ địa phương) gần vùng biển tranh chấp giữa hai nước, hay còn gọi là Đường Giới hạn phía Bắc (NLL). Trong số đó, khoảng 100 loạt đạn pháo đã rơi xuống lãnh thổ Hàn Quốc.
Người phát ngôn Bộ trên, Kim Min-seok, cho biết quân đội nước này đã đáp trả bằng 300 loạt đạn pháo từ súng tự hành K-9. Ông Kim-Min-seok còn cảnh báo: “Nếu Triều Tiên coi việc chúng tôi đáp trả là lý do để tiếp tục khiêu khích vào vùng biển và đảo của chúng tôi thì chúng tôi sẽ trả đũa thích đáng”.
Loạt vụ nã pháo của Triều Tiên nằm trong khuôn khổ cuộc tập trận pháo binh bắn đạn thật kéo dài 3 tiếng đã được Bình Nhưỡng thông báo trước trong ngày 30/3. Sau vụ việc, quân đội Hàn Quốc đã phái máy bay chiến đấu F-15K đến khu vực lãnh hải, đồng thời tăng cường cảnh giác với Triều Tiên. Người dân Hàn Quốc sống trên các đảo gần hải giới cũng được sơ tán vào hầm trú ẩn.
Lệnh sơ tán hết hiệu lực một tiếng sau khi Triều Tiên chấm dứt nã pháo.
Vụ việc khiến người ta nhớ lại sự kiện tháng 11/2010 khi Triều Tiên nã pháo vào đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc khiến 4 người thiệt mạng.
Vụ đấu pháo qua lại giữa hai miền Triều Tiên xảy ra trong bối cảnh Bình Nhưỡng đã thực hiện hàng loạt vụ phóng tên lửa tầm ngắn trong những tuần gần đây nhằm phản đối cuộc tập trận chung giữa Hàn Quốc và Mỹ. Gần đây nhất, Triều Tiên đã phóng hai tên lửa đạn đạo tầm trung có khả năng chạm tới Nhật Bản.
Vụ việc xảy ra sau khi Bộ Ngoại giao Triều Tiên tuyên bố sẽ không loại trừ một hình thức thử hạt nhân mới nào để tăng cường khả năng răn đe hạt nhân của mình.
Trung Quốc lo ngại
Sau vụ việc trên bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc đã bày tỏ sự lo ngại khi căng thẳng gia tăng. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này Hồng Lỗi phát biểu trong một cuộc họp báo hàng ngày: “Chúng tôi kêu gọi các bên có liên quan bình tĩnh, kiềm chế những hành động có hại cho hòa bình và ổn định trên bán đảo. Tình hình hiện nay trên bán đảo tương đối nhạy cảm và việc đảm bảo hòa bình, ổn định là phù hợp với lợi ích chung của mọi bên”.
Theo ông Hồng Lỗi, quan điểm rõ ràng và kiên định của Trung Quốc là phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, đảm bảo ổn định ở khu vực, giải quyết các vấn đề thông qua đối thoại và tham vấn.
Nhật Huy