Những năm qua, từ nguồn vốn các chương trình giảm nghèo như 134, 30a của Chính phủ, nhiều hộ nghèo ở Lai Châu đã có đất sản xuất, từ đó có điều kiện vươn lên trong cuộc sống. Tuy nhiên, theo Ban Dân tộc tỉnh Lai Châu, hiện tại trên địa bàn toàn tỉnh còn hơn 6.200 hộ nghèo đang có nhu cầu về đất sản xuất, với khoảng gần 5.600 ha. Nguyên nhân là do gia tăng dân số tự nhiên cao, trong khi quỹ đất không tăng. Ngoài ra, nhiều hộ thuộc diện tái định cư các công trình thủy điện chuyển đến nơi ở mới, địa bàn canh tác chưa ổn định.
Bà Lò Thị Vương, Phó Ban Dân tộc tỉnh Lai Châu cho rằng, mặc dù quỹ đất có khả năng khai hoang để sản xuất trên địa bàn Lai Châu còn nhiều. Tuy nhiên để khai hoang số diện tích này không phải dễ bởi đất có thể canh tác được lại không tập trung, rải rác, nhỏ lẻ và manh mún, thường ở những khu vực có địa hình khó khăn, không có nguồn nước tại chỗ. Việc xây dựng công trình thủy lợi ở những nơi này cũng cần nguồn vốn đầu tư lớn. Giải pháp cơ bản bây giờ sẽ là hỗ trợ khai hoang tại các khu vực có nước. Ở những khu vực không có nước thì có thể tập trung chuyển đổi ngành nghề cho phù hợp. Chính quyền một số xã cũng đã phối hợp với các ban, ngành, địa phương đưa ra nhiều giải pháp như hướng dẫn các hộ chăn nuôi luân chuyển, đồng thời kiến nghị các đơn vị doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn giúp đỡ tạo việc làm cho các hộ dân. Ngoài ra, phát triển diện tích trồng cây cao su đại điền đang được tỉnh Lai Châu đẩy mạnh triển khai để góp phần giải quyết việc làm cho bà con.
Để giải quyết việc làm cho người dân, các cơ quan, ban, ngành của tỉnh cần chủ động khảo sát, quy hoạch lại các loại rừng để chuyển đất lâm nghiệp sang đất nông nghiệp. Bên cạnh đó, giao khoán rừng cho người dân, để người dân nhận trông coi và bảo vệ rừng, giúp họ hưởng nguồn lợi từ rừng, từ tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng cũng là một giải pháp hữu hiệu, mang tính bền vững cao, góp phần giải quyết bài toán thiếu đất sản xuất này cho người dân nghèo.