Hậu Giang: Làm giàu nhờ mít Thái “siêu sớm”

Những năm gần đây, nhiều hộ dân ở huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang chuyển qua trồng mít Thái “siêu sớm”, và đã thành công với giống mít mới này. Huyện Châu Thành vốn nổi tiếng với những vườn cây cam, bưởi, quýt đường, chanh không hạt.

Nhiều nhà vườn đã giàu lên từ mô hình trồng mít.


Nhưng ở một số khu vực của huyện do đất đai không phù hợp nên các loại cây này không phát triển tốt và năng suất không cao. Từ năm 2008, một vài hộ dân được giới thiệu giống mít Thái “siêu sớm”, đã chuyển sang trồng loại cây này. Mít Thái nhanh cho quả và ra quả quanh năm, quả to từ 10 đến 20 kg, nên đã mang đến nguồn thu nhập lớn cho người dân.

Ông Nguyễn Văn Biểu - người trồng mít Thái lâu năm ở Châu Thành cho biết: Ban đầu, gia đình ông trồng 20 cây mít giống mới xen với vườn cam, một năm sau thấy thu hoạch hiệu quả nên đã mở rộng vườn mít lên 2 ha với hơn 2.000 cây. Với vườn mít này, mỗi tháng ông thu hoạch hơn 1 tấn quả, bán với giá từ 12.000 - 15.000 đồng/kg, thu nhập được trên 750 triệu đồng/năm. Ngoài ra, ông cũng ghép cây giống, cung cấp cho thị trường khoảng hơn 20.000 cây giống mỗi năm, với giá khoảng 10.000 đồng/cây, thu lãi gần 200 triệu đồng.

Mít Thái “siêu sớm” có quả to, ít xơ nhiều múi, cơm dày hạt nhỏ, giòn ngọt nên được người tiêu dùng ưa chuộng, tiêu thụ mạnh trên thị trường. Khi thu hoạch, thương lái đến mua tận vườn để cung cấp cho thị trường miền Tây và vận chuyển đi tiêu thụ ở thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội. Hơn nữa loại mít này dày cơm và giòn ngọt, là nguyên liệu thích hợp để chế biến mít sấy khô, nên được các doanh nghiệp chế biến nông sản tiêu thụ mạnh. Đây là những nguyên nhân khiến cho đầu ra của mít Thái được đảm bảo, giải quyết được khâu tiêu thụ cho người trồng mít.

Bà Lê Hồng Thắm, cán bộ kỹ thuật Trạm bảo vệ thực vật huyện Châu Thành cho biết: Toàn huyện có trên 40 ha diện tích trồng mít Thái, tập trung nhiều ở xã Phú Hữu và Phú Hữu A. Người dân ở đây đã thành lập hợp tác xã Đại Lợi với hơn 25 xã viên chuyên trồng mít Thái và cung cấp cây giống cho thị trường. Thấy đây là loại cây dễ trồng và mang lại hiệu quả kinh tế cao, Phòng Nông nghiệp huyện Châu Thành phối hợp với Trạm bảo vệ thực vật hướng dẫn người dân cách chăm sóc, phòng bệnh cho cây, cách để quả và bảo vệ quả, giúp người dân nắm được kỹ thuật trồng mít để đạt hiệu quả cao hơn, mang lại nguồn thu nhập lớn từ loại cây này.

Ngoài những nơi cung cấp cây giống ở huyện Châu Thành, người dân muốn trồng mít Thái “siêu sớm” cũng có thể lấy cây giống từ Trung tâm Giống nông nghiệp Hậu Giang.

Nguyễn Xuân Dự

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN