Kinh tế Mỹ đang vững bước trên đà phục hồi và việc Mỹ soán ngôi Saudi Arabia cùng Nga trở thành nước sản xuất dầu khí lớn nhất thế giới không phải là một tin tức gây sốc trên thị trường. Tuy nhiên, cùng với sự “trở lại” của nền kinh tế số 1 thế giới là những nguy cơ đe dọa các nền kinh tế mới nổi khi Washington điều chỉnh chính sách kinh tế.Tăng trưởng chậm chắcCác chuyên gia kinh tế và lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ ngày 9/6 có nhận định chung cho rằng kinh tế Mỹ tiếp tục đà tăng trưởng trong năm 2015 nhưng với tốc độ chậm hơn. Báo cáo của Hiệp hội Kinh tế doanh nghiệp quốc gia Mỹ (NABE) dự báo tốc độ tăng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong năm nay đạt 2,4% so với mức dự báo 2,9% trước đây. Tốc độ tăng GDP của Mỹ trong năm 2016 sẽ khá hơn, dự kiến đạt 2,9%. Báo cáo của các chuyên gia NABE cũng hạ mức dự báo về số việc làm mới được tạo ra trong năm 2015, nhưng cho rằng tốc độ lương bổng của người lao động Mỹ sẽ tăng nhanh hơn mức lạm phát.
Một cửa hàng bán lẻ thời trang tại thành phố New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong khi đó, Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) công bố báo cáo cho thấy trong tháng 4 và tháng 5, nền kinh tế Mỹ ghi nhận những dấu hiệu tích cực, dựa trên tốc độ tăng trưởng từ khiêm tốn đến vừa phải tại hầu hết 12 địa phương được FED ghi nhận. Báo cáo của FED chỉ rõ một trong những mảng sáng của kinh tế Mỹ thể hiện rõ qua hoạt động nhộn nhịp trong buôn bán bất động sản và xây dựng. Trong khi đó, thị trường lao động lại ổn định và lương của người lao động được cải thiện tại đa số các khu vực này.
Trong 4 tháng đầu năm, tổng thâm hụt thương mại của Mỹ tăng khoảng 1% so với cùng kỳ năm 2014. Với đà này, các chuyên gia kinh tế dự báo, tổng thâm hụt thương mại của Mỹ trong năm 2015 này có thể chỉ cao hơn một chút so với mức thâm hụt 508,3 tỷ USD của năm 2014. Nhập khẩu dầu giảm 6,8 tỷ USD, mức giảm lớn nhất trong vòng 13 năm qua, là một nguyên nhân làm cho kim ngạch nhập khẩu trong tháng 4 giảm đột biến.
Thống trị thị trường dầu mỏ thế giớiMỹ đang gặt hái từ cuộc cách mạng dầu đá phiến khi chính thức soán ngôi Saudi Arabia và Nga trở thành nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới trong năm 2014. Theo chuyên gia kinh tế hàng đầu của BP, ông Spencer Dale, thế giới đang chứng kiến một cuộc đổi ngôi giữa các nước cung cấp năng lượng chính cho nền kinh tế toàn cầu do những tác động mạnh mẽ của cách mạng dầu đá phiến.
Cuộc cách mạng dầu đá phiến là nguyên nhân chính khiến sản lượng khai thác dầu tăng đột biến. Thực tế này cho phép Mỹ giờ đây bớt phụ thuộc hơn vào nguồn năng lượng nhập khẩu, một yếu tố từng gây tổn hại đối với sự cân bằng trong cán cân thương mại và nền kinh tế Mỹ.
Chuyên gia Spencer Dale cho biết sản lượng khai thác dầu hàng ngày của Mỹ năm 2014 tăng thêm 1,4 triệu thùng lên mức gần 5 triệu thùng/ngày. Đây là mức tăng sản lượng khai thác lớn nhất thế giới trong một năm. Mỹ cũng là nước lần đầu tiên trong ba năm qua có sản lượng khai thác hàng ngày tăng thêm hơn 1 triệu thùng. Với mức tăng này, sản lượng khai thác dầu của Mỹ trong năm ngoái đã vượt mức đỉnh cao năm 1970 và đưa quốc gia này lần đầu tiên kể từ năm 1975 trở thành nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới.
Ngoài dầu lửa, trong năm 2014, sản lượng khai thác khí đốt của Mỹ cũng tăng đột biến, chiếm gần 80% mức tăng của toàn thế giới trong lĩnh vực này. Với mức tăng này, báo cáo của BP xác định Mỹ cũng đã vượt qua Nga trở thành nước sản xuất dầu và khí đốt lớn nhất thế giới.
Hệ lụy không mong muốnSự phục hồi của nền kinh tế Mỹ là tin vui với chính giới và người dân nước này, cũng như với phần còn lại của thế giới. Với tư cách là nền kinh tế lớn nhất toàn cầu, sức khỏe của kinh tế Mỹ có ảnh hưởng chi phối tới các nước khác. Sự phục hồi này cũng đồng nghĩa với việc Nhà Trắng sẽ phải điều chỉnh các chính sách của mình, cụ thể là FED tăng lãi suất cơ bản, kéo theo những hệ lụy không mong muốn cho các nền kinh tế mới nổi.
Lãi suất tín dụng tăng tại Mỹ khiến thị trường tài chính toàn cầu bất ổn hơn và khi đó các nền kinh tế yếu sẽ gánh chịu những hậu quả xấu do khó có thể thu hút đầu tư nước ngoài. Cụ thể, thứ nhất là lãi suất tăng sẽ làm đồng USD tăng giá so với các ngoại tệ mạnh khác và điều này trực tiếp ảnh hưởng đến ngoại thương của các nước. Vấn đề thứ hai còn quan trọng hơn, đó là khi lãi suất tại Mỹ tăng thì các khoản vay mượn bằng đồng USD sẽ thành đắt hơn và gây khó khăn cho các nước đã vay quá nhiều tiền vay vốn trả nợ.
Chuyên gia phụ trách thị trường mới nổi Maarten-Jan Bakkum thuộc tập đoàn dịch vụ tài chính ING cho rằng trong giai đoạn Mỹ duy trì lãi suất thấp, các nước đang phát triển đã đón nhận những luồng vốn đầu tư dồi dào từ thị trường tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, giờ đây mọi việc đã thay đổi. Theo ING, chỉ trong 6 tháng cuối năm 2014, giới đầu tư đã chuyển khoảng 392 tỷ USD ra khỏi 15 nền kinh tế mới nổi lớn nhất thế giới. Nếu xu hướng này tiếp tục diễn ra trong hai quý đầu năm nay, tổng thiệt hại mà các thị trường mới nổi có thể chạm mức trong khủng hoảng tài chính 2008-2009. Nguồn vốn đầu tư như huyết mạch giúp các nước đang phát triển tạo thêm công ăn việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp và mang lại niềm hy vọng cho người dân. Vì thế, khi dòng vốn "chảy máu" nghiêm trọng, các nước sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề, không chỉ đơn thuần thuộc lĩnh vực kinh tế mà còn cả xã hội.
Đồng USD mạnh đã khiến đồng nội tệ ở những thị trường mới nổi lâm vào cảnh khốn đốn, và giới đầu tư hết sức hoang mang trước những tin đồn về việc Mỹ siết chặt chính sách tiền tệ. Giá tiêu dùng ở mức thấp lại càng đẩy tốc độ tăng trưởng GDP tại các nước đang phát triển "xuống dốc" nhanh chóng.
Theo đánh giá của giới phân tích, tất cả những xu hướng này đã làm "lộ sáng" một thực tế khá phũ phàng rằng nợ công tại các nền kinh tế mới nổi đang "phình" ra với tốc độ và quy mô không ai ngờ tới. Khi nhà đầu tư ngoại rút vốn và chuyển hướng kinh doanh, thì ngay lập tức, thị trường tài chính của những nước này phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.