Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), Bộ Ngoại giao Israel mới đây đã tạo ra một "đại sứ quán ảo" dưới dạng tài khoản Twitter nhằm thúc đẩy đối thoại với các quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC). Động thái này đã hé lộ một trong những bí mật của khu vực, đó là quan hệ giữa Israel và các nước thành viên GCC.
Binh sĩ Israel tập trận tại cao nguyên Golan, gần khu vực biên giới với Syria ngày 18/7. Ảnh: AFP/TTXVN |
Quan hệ giữa Israel và các nước GCC - bao gồm Arập Xêút, Qatar, Oman, Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE), Bahrain và Kuwait - có thể phát triển mạnh mẽ hơn nữa do hội tụ đủ các lợi ích địa chính trị và thương mại. Có thể nhận thấy về trung hạn, mối quan ngại của hai bên về những tham vọng của Iran trong khu vực, cuộc nội chiến ở Syria và những lợi ích từ sự ủng hộ của Mỹ đối với mối quan hệ này có thể lấn át các trở ngại hiện nay cũng như những cân nhắc chính trị của các bên.
Mặc dù không thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức nhưng Israel và các quốc gia vùng Vịnh vẫn âm thầm duy trì quan hệ ngoại giao và thương mại từ những năm 90 của thế kỷ trước. Hội nghị Madrid năm 1991 thảo luận kế hoạch hòa bình giữa Israel và các nước láng giềng đã đánh dấu sự khởi đầu của quá trình can dự thận trọng giữa Israel và các quốc gia vùng Vịnh. Việc này cũng đã được củng cố khi các nước GCC ngừng tẩy chay các công ty làm ăn với Israel sau khi Hiệp định Oslo được ký năm 1993. Đến năm 1996, Israel đã thành lập cơ quan thương vụ ở cả Qatar và Oman. Các quan chức cấp cao của Israel bắt đầu thường xuyên gặp gỡ các quan chức vùng Vịnh ở cả trong khu vực và bên lề các diễn đàn quốc tế, mặc dù các cuộc gặp này đều không được công khai.
Những hạn chế
Tất nhiên, vẫn còn những hạn chế đối với quan hệ giữa Israel và các quốc gia vùng Vịnh. Những miễn cưỡng về tư tưởng và nguy cơ vấp phải sự phản đối từ dân chúng khiến cho các nước vùng Vịnh cảm thấy khó khăn hơn khi bước vào mối quan hệ công khai và thực sự với Israel. Trong khi đó, sự ủng hộ của vùng Vịnh đối với sự nghiệp đấu tranh của người Palestine, trong một số trường hợp có cả Phong trào Hồi giáo Hamas, là nguyên nhân làm cho Israel không muốn theo đuổi mối quan hệ mạnh mẽ hơn với GCC.
Tuy nhiên, sự quan tâm và lợi ích chung có thể giúp hai bên vượt qua được một số trở ngại này. Cả hai bên đều lo ngại về những tham vọng trong khu vực của Iran. Các quốc gia vùng Vịnh đang tìm cách để kiềm chế ý đồ giành quyền bá chủ khu vực của Iran, trong khi Israel coi một nước Iran được trang bị vũ khí hạt nhân là mối đe dọa đối với cả nhân loại. Israel và các quốc gia vùng Vịnh được cho là đã chia sẻ thông tin tình báo về Iran. Việc tăng cường liên lạc giữa Israel và các nước vùng Vịnh sẽ tạo điều kiện để hai bên thảo luận về những lo ngại an ninh một cách hiệu quả hơn.
Ngoài ra, cả Israel và các nước vùng Vịnh cũng đều lo ngại về ảnh hưởng của Iran ở Syria - nước có chung đường biên giới với Israel - và những tác động đối với khu vực từ cuộc nội chiến ở quốc gia này, đặc biệt là sự dính líu của nhóm Hezbollah và nhóm vũ trang dòng Shi'ite của Lebanon. Các quốc gia vùng Vịnh cũng lo ngại rằng khi thực hiện chiến lược tái cân bằng ở châu Á, Mỹ sẽ giảm dần vai trò của nước này ở Trung Đông, và do đó hợp tác với Israel về vấn đề Iran có thể tăng cường an ninh nếu như Mỹ không thể kiềm chế được Iran.
Trước đây, những diễn biến tích cực trong mối quan hệ Israel - Palestine thường dẫn đến sự cải thiện trong quan hệ giữa Israel và các nước GCC. Rất có thể là vòng đàm phán hòa bình mới giữa Israel và Palestine do Ngoại trưởng Mỹ John Kerry làm trung gian sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Israel và các nước vùng Vịnh phát triển mối quan hệ sâu sắc hơn và những lợi ích từ sự hợp tác giữa hai bên có thể vượt qua những hạn chế trong mối quan hệ này.
Huy Hiệp (P/v TTXVN tại Anh)