Hệ thống ngân hàng đã qua giai đoạn khó khăn nhất

Bên lề Hội nghị Ổn định tài chính khu vực Đông Á được tổ chức tại Việt Nam từ ngày 27 - 29/11, ông Vũ Viết Ngoạn (ảnh), Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia (UBGSTC) đã trả lời báo giới xung quanh vấn đề nóng của ngành tài chính, ngân hàng; “sức khỏe” của hệ thống ngân hàng Việt Nam.


 

´ Thưa ông, Hội nghị lần này tập trung vào việc thảo luận để tìm ra các giải pháp nâng cao chuẩn mực an toàn tài chính cho các nước, trong đó có Việt Nam. Vậy theo ông, chuẩn mực an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam đã theo kịp với thế giới?

 


Thực hiện lộ trình cải cách tài chính theo chuẩn quốc tế, trong khoảng chục năm trở lại đây, hệ thống ngân hàng của Việt Nam đã có nhiều đổi mới theo hướng tiếp cận thông lệ và chuẩn mực chung của thế giới. Nhưng, kết quả đạt được vẫn còn nhiều hạn chế. Đặc biệt trong những năm 2008 - 2009, khi khủng hoảng tài chính buộc hệ thống trên thế giới phải đẩy mạnh cải cách thì Việt Nam lại càng có khoảng cách lớn hơn. Do đó, yêu cầu phải đẩy nhanh cải cách hệ thống tài chính, ngân hàng là rất bức thiết để chúng ta không những phải khắc phục được điểm yếu nội tại mà phải đi nhanh hơn để tiếp cận dần với thông lệ quốc tế.


Một số nước như: Nhật, Hàn Quốc, Xinhgapo, Thái Lan… đang tiếp cận một cách tích cực chuẩn Basel III (Hiệp định Basel III được 27 nước (không bao gồm Việt Nam) ký kết năm 2010 với các tiêu chuẩn cao hơn so với văn bản trước đó là Basel II. Lộ trình để thực hiện Basel III từ tháng 1/2013 và hoàn thành vào cuối năm 2018- PV). Hiệp ước Basel nhằm đảm bảo các ngân hàng có khả năng khắc phục tổn thất khi bị rủi ro tài chính mà không ảnh hưởng đến quyền lợi của người gửi tiền. Các nước trên đã đáp ứng được khoảng 12 trong số 14 tiêu chí về vốn và thanh khoản. Trong khi đó, Việt Nam và một số nước khác như: Lào, Campuchia… vẫn đang ở giai đoạn khởi đầu (Basel I). Vì thế, chúng ta phải đẩy nhanh tiến trình hơn nữa.


´Theo ông, cần có các giải pháp nào để Việt Nam có thể nâng cao chuẩn mực an toàn tài chính theo các tiêu chuẩn chung của thế giới?


Sự thay đổi nhanh chóng của thế giới đặt ra cho chúng ta yêu cầu phải đẩy nhanh cải cách tài chính nhanh hơn. Không chỉ là tiếp cận với các thông lệ quốc tế mà còn phải góp phần khắc phục những điểm yếu nội tại. Đúng là ở Việt Nam, có những tiêu chí của Basel III mà ngân hàng Việt Nam vẫn chưa thể đáp ứng được, nhưng Việt Nam cũng có thể tiếp cận những chuẩn mực này theo tiêu chí của riêng mình, không nhất thiết phải đi theo trình tự từ thực hiện các quy định của Basel I, II và tới III. Qua hội nghị này, Việt Nam có cơ hội được trao đổi với các đồng nghiệp, ví dụ như: Thái Lan đang cải cách mạnh tài chính, tiếp cận với chuẩn Basel III. Đây là cố gắng lớn của họ và cũng là bài học của Việt Nam.

 

´ Hiện nay, nhiều ý kiến lo ngại, tình trạng nợ xấu sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động của hệ thống tín dụng của Việt Nam. Ông có đồng tình ý kiến này không?


Thời điểm khó khăn nhất đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam là cuối năm 2011 khi thanh khoản thị trường có vấn đề, nhiều ngân hàng đứng trước nguy cơ mất khả năng thanh khoản do nợ xấu lớn. Tuy nhiên, chúng ta đã vượt qua giai đoạn khó khăn đó nhờ những giải pháp kịp thời của Chính phủ về đảm bảo quyền lợi người gửi tiền để ngân hàng tiếp tục huy động vốn, đồng thời có giải pháp hỗ trợ tạm thời cho các ngân hàng gặp khó khăn. Ngoài ra, chúng ta đã kiểm soát để không cho các ngân hàng có khó khăn tiếp tục đầu tư vào các lĩnh vực mạo hiểm hay mở rộng kinh doanh.


Tuy vậy, trước mắt vẫn cần có bài toán về việc xử lý nợ xấu để khai thông dòng vốn cho nền kinh tế. Bên cạnh đó, cũng cần đảm bảo cho hệ thống hoạt động ổn định, các ngân hàng yếu không bị đổ vỡ, cũng không nên mở rộng đầu tư, để không gây nguy hiểm cho nền kinh tế.

 

Thị trường tiền tệ, hoạt động ngân hàng đang dần ổn định Tại Hội nghị quốc tế “Khuôn khổ ổn định tài chính và vai trò của giám sát tài chính trong môi trường nhiều biến động” diễn ra ở Hà Nội ngày 27/11, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nuớc (NHNN) Nguyễn Đồng Tiến cho biết: Thời gian qua, nhờ việc triển khai kiên quyết các chính sách của Chính phủ nhằm kiên trì mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó có chính sách tiền tệ của NHNN đã đạt được những thành công. Theo đó, các nguy cơ bị tổn thương đối với nền kinh tế đã giảm đi nhiều so với các năm trước đây, lạm phát kiềm chế ở mức thấp; cán cân vãng lai sau khi thâm hụt liên tục trong giai đoạn 2007- 2010 thì sang năm 2012 đã chuyển sang thặng dư lớn, giúp cán cân thanh toán thặng dư cao, ước cả năm 2012 đạt khoảng 8 tỷ USD. NHNN mua được lượng ngoại hối lớn, tăng dự trữ ngoại hối lên mức cao nhất từ trước tới nay, qua đó củng cố tiềm lực tài chính quốc gia và uy tín của Việt Nam đối với nhà đầu tư nước ngoài. Thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng đang dần ổn định và cải thiện: Mặt bằng lãi suất đồng Việt Nam giảm về xấp xỉ mức lãi suất năm 2007- thời điểm trước khi diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu; tỷ giá ổn định, yếu tố đầu cơ được triệt tiêu, giúp giảm mạnh tình trạng đô la hóa. Bên cạnh đó, huy động vốn vào hệ thống ngân hàng tiếp tục tăng, nhất là đối với tiền gửi có kỳ hạn dài, giúp ổn định thanh khoản cho các tổ chức tín dụng, giảm rủi ro thanh khoản và rủi ro kỳ hạn.



Minh Phương (ghi)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN