Hết chịu nổi với giá gas tăng

Từ ngày 1/12, các công ty gas đã đồng loạt áp dụng giá bán lẻ mới với mức tăng sốc, từ 78.000 - 79.000 đồng/bình 12 kg. Theo đó, giá gas bán lẻ đến tay người tiêu dùng đã leo lên mức 485.000 - 491.000 đồng/bình. Đại diện Hiệp hội Gas Việt Nam nói rằng, ngoài nguyên nhân do giá thế giới tăng, một số doanh nghiệp bán lẻ gas găm hàng chờ sang tháng 12 mới bán để được hưởng lãi cao cũng là nguyên nhân khiến giá gas tăng mạnh.


Trong bối cảnh kinh tế suy thoái, đời sống của người dân đang gặp muôn vàn khó khăn, thì việc giá gas tăng vọt khiến dư luận bức xúc cũng là dễ hiểu. Lại càng bức xúc hơn khi đại diện Hiệp hội Gas Việt Nam đưa ra dự báo, mặt hàng này sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, nếu không có giải pháp can thiệp kịp thời.


Có lẽ mong mỏi của người tiêu dùng lúc này là không phải đương đầu với những cơn bão giá. Dù giá gas tăng với bất kỳ nguyên do gì, người dân cũng cần được nghe một lời giải thích, sự can thiệp minh bạch, công khai từ phía người có trách nhiệm. Giá gas trong nước tăng được lý giải là do phụ thuộc nhập khẩu. Trong khi đó, các nhà sản xuất nội địa vẫn tự hào rằng, hiện gas sản xuất trong nước đáp ứng được khoảng 40-50% nhu cầu; có nghĩa, chỉ khoảng 50 - 60% lượng gas là phải nhập khẩu.

Vậy thì tại sao khi giá gas thế giới tăng lại đè cả lên 100% gas bán lẻ trên thị trường? Hơn nữa, lượng tồn kho gas ở mỗi doanh nghiệp là khác nhau, nhưng các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này lại đồng loạt tăng giá cùng một thời điểm, rõ ràng có biểu hiện của mối liên kết ngầm nhằm thao túng thị trường, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Đáng lý cơ quan quản lý nhà nước cần phải xem xét lượng gas tồn thực tế là bao nhiêu trước khi cho doanh nghiệp tăng giá. Việc doanh nghiệp còn tồn hàng, gas nhập theo giá mới chưa về Việt Nam mà đã tăng giá bán là không sòng phẳng với người tiêu dùng. Rất cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng để làm rõ vấn đề này.


Vẫn biết, gas là mặt hàng nằm trong danh mục hàng hóa được bình ổn giá và việc giá gas tăng sẽ ảnh hưởng tới chỉ số giá tiêu dùng bởi đây là một trong những mặt hàng nằm trong "rổ hàng hóa" được đưa vào tính toán. Vậy ai sẽ phải chịu trách nhiệm về tình trạng này? Đến nay, vẫn chưa có câu trả lời và thị trường gas vẫn hiện rõ sự mập mờ trong công tác quản lý.


Việc giá gas tăng vọt lần này lại cho thấy một sự lặp lại đáng trách trong công tác quản lý thị trường, giá cả. Cụ thể, là để các mặt hàng thiết yếu tăng giá trên thị trường rồi mới loay hoay tìm giải pháp ngăn chặn. Điệp khúc doanh nghiệp kêu lỗ rồi đòi tăng giá gas mỗi khi giá thế giới biến động như một sự thách thức đối với công tác quản lý, đồng thời cũng gây bức xúc trong dư luận xã hội.


Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, giảm thuế nhằm giảm giá bán lẻ gas là một trong những biện pháp để kiềm chế tăng giá. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp trước mắt. Về lâu dài, cần phải minh bạch yếu tố cấu thành giá, áp dụng thống nhất một mức giá cho cùng một loại gas của cùng một đầu mối nhập khẩu, kinh doanh gas; sớm hoàn thiện cơ chế quản lý giá gas trên cơ sở quan tâm đến quyền lợi người tiêu dùng. Quan trọng hơn cần tăng cường năng lực và hiệu lực quản lý nhà nước, mở rộng sự minh bạch và giám sát xã hội đối với hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng gas.

Yến Nhi

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN