Trong khi nhiều vụ cháy chợ, trung tâm thương mại xảy ra liên tục trên địa bàn cả nước thời gian qua, nhưng ở nhiều chợ, công tác phòng chống “giặc lửa” vẫn còn nhiều bất cập.
Nhiều vi phạm quy định phòng cháy
Theo số liệu thống kê, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh hiện có 219 chợ kinh doanh theo kiểu truyền thống (không kể chợ tự phát). Trong đó, nhiều chợ được xem là đầu mối, cung cấp hàng hóa lớn cho TP Hồ Chí Minh và cả khu vực phía Nam như Chợ Lớn (quận 6) chợ hóa chất Kim Biên (quận 5), chợ vải Soái Kình Lâm (thương xá Đồng Khánh - quận 5), chợ quần áo may sẵn Tân Bình (quận Tân Bình), chợ An Đông (quận 5)... Những khu chợ này cũng là nơi tiềm ẩn nguy cơ cháy cao khi chứa nhiều hàng hóa, thuộc loại dễ cháy và khu vực kinh doanh rộng lớn.
Lối thoát nạn tại các chợ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh thường bị các tiểu thương lấn chiếm gây mất an toàn khi xảy ra cháy. |
Ghi nhận của phóng viên tại các chợ này cho thấy, mỗi sạp hàng tại các chợ này chỉ rộng khoảng 1,2 - 1,5 m2. Vì diện tích nhỏ, nên đa số các chủ quầy hàng lấn chiếm, tận dụng lối đi, lối thoát hiểm để chứa hàng hóa. Bên cạnh đó, nhiều hộ kinh doanh vẫn còn lén lút đốt nhang đèn, thậm chí hút thuốc lá tại các khu vực bán hàng hóa. Tại một số chợ, các chủ sạp kinh doanh còn chất hàng hóa che khuất các phương tiện chữa cháy ban đầu như bình chữa cháy, hộp cứu hỏa... Những điều này khiến các chợ có nguy cơ mất an toàn về cháy nổ rất cao.
Bà Lưu Thị Kinh Nhung, Trưởng ban quản lý chợ hóa chất Kim Biên, cho biết công tác PCCC có vai trò hết sức quan trọng, đặc biệt đối với chợ kinh doanh các mặt hàng dễ cháy như chợ hóa chất. “Ban quản lý chợ cũng thường xuyên tổ chức hướng dẫn, nhắc nhở bà con thực hiện nghiêm chỉnh công tác PCCC; đồng thời kêu gọi bà con kí cam kết không tự ý câu móc điện, sử dụng các vật liệu dễ cháy nổ, không thắp nhang thờ cúng và đốt giấy tiền vàng mã trong quầy sạp, không hút thuốc lá trong phạm vi chợ. Tuy nhiên, do chưa ý thức được hiểm họa từ cháy nổ, vẫn còn một vài tiểu thương lén lút vi phạm, gây mất an toàn về PCCC”, bà Nhung cho biết.
Trong khi đó, ông Trần Minh Hiếu, cán bộ kiểm tra an toàn PCCC (Sở Cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh), cũng cho biết, hầu hết các chợ hoặc trung tâm thương mại, các quầy sạp bên trong được bố trí thông thoáng để dễ thoát nạn; bên ngoài được bao quanh bởi các tuyến đường giao thông, vừa là khoảng cách ngăn cháy giữa chợ và khu dân cư, vừa là đường đi lại cho xe chữa cháy hoạt động khi có sự cố xảy ra. Tuy nhiên, do nhu cầu kinh doanh, tại những khu vực này các tiểu thương đã tận dụng, lấn chiếm bày bán hàng hóa, dự trữ hàng. Điều này đã gây mất an toàn về PCCC khi lối thoát nạn bên trong hay đường giao thông bên ngoài đều bị thu hẹp, thậm chí có chợ còn bị che kín.
Theo Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội, thành phố hiện có hơn 100 chợ quy mô lớn, nhưng qua kiểm tra công tác PCCC định kỳ, không ít chợ có hệ thống đèn chiếu sáng hoạt động kém, chỉ dẫn thoát nạn không bảo đảm. Hầu hết các chợ do công an các quận, huyện, thị xã trực tiếp phụ trách PCCC đều có hệ thống điện không an toàn và chưa ban hành, niêm yết nội quy PCCC ở những nơi cần thiết, cũng như chưa được phổ biến đến các hộ kinh doanh. Mặc dù, trong thiết kế xây dựng, các chợ đều có phương án PCCC, nhưng nhiều chợ được xây dựng từ những năm 90 của thế kỷ trước, không còn phù hợp với công tác PCCC hiện thời, như các chợ Kim Giang, Khương Đình, Cầu Diễn, Hà Đông, Đồng Tâm, Trương Định... Đây chính là những nguyên nhân cản trở công tác chữa cháy nếu có hỏa hoạn.
Theo thống kê của Sở Cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay trên địa bàn thành phố đã xảy ra 454 vụ cháy (tăng 2 vụ so cùng kỳ làm chết 8 người, bị thương 15 người, ước tính thiệt hại về tài sản khoảng 31,14 tỷ đồng. |
Theo quy định về PCCC, các siêu thị, trung tâm thương mại cần bố trí cầu thang thoát nạn riêng biệt, có lối ra ngoài trực tiếp; bố trí lối thoát nạn dự phòng; chủ động các phương án ngăn lửa, chống tụ khói trong cầu thang thoát nạn; đồng thời có sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn, hệ thống đèn chiếu sáng sự cố cho từng tầng và phải lắp đặt thiết bị bảo vệ (aptomat) cho hệ thống điện của toàn bộ công trình, từng tầng. Tuy nhiên, để tận dụng diện tích kinh doanh, nhiều siêu thị và trung tâm thương mại để hàng hóa, thậm chí bố trí kho hàng ở cả khu vực cầu thang.
Tại nhiều chợ của Hà Nội, mặc dù ban quản lý chợ đã trang bị các thiết bị PCCC nhưng nhiều tiểu thương thừa nhận họ chưa được tham gia tập huấn về PCCC và cũng không biết sử dụng các thiết bị chữa cháy cứu hỏa, chuông báo cháy...
Nâng cao cảnh giác
Hầu hết các chợ, trung tâm thương mại tại TP Hồ Chí Minh đều được trang bị khá đầy đủ các phương tiện PCCC như hệ thống báo cháy tự động, hệ thống cấp nước chữa cháy vách tường, bình chữa cháy mini; đồng thời cũng bố trí lực lượng bảo vệ vừa làm công tác bảo vệ vừa làm công tác PCCC. Tuy nhiên, theo ông Hiếu, lực lượng này khá mỏng và dàn trải. Số lượng người trong ca trực vào ban đêm thường không đảm bảo, chỉ từ 7 - 10 người cho hàng ngàn mét vuông diện tích chợ nên vẫn còn mất an toàn về PCCC. Ngoài ra, do thường xuyên xảy ra tình trạng mất cắp trang thiết bị PCCC, một số chợ cũng đã khóa các tủ PCCC nên khi xảy ra cháy cũng khó mà xử lý kịp thời. Hơn nữa, một số họng nước chữa cháy vách tường ở các chợ không có trang bị vòi, lăng chữa cháy cũng khiến cho công tác PCCC tại các chợ cũng gặp khó khăn hơn.
Nhiều tiểu thương ở các chợ kiến nghị, các lực lượng PCCC cần thường xuyên kiểm tra công tác PCCC để kịp thời phát hiện các thiếu sót về thiết bị PCCC, nguồn nước... Tuy nhiên, các cơ quan quản lý cho rằng, trước hết và quan trọng nhất để đảm bảo an toàn PCCC là ý thức chấp hành an toàn PCCC của chính những tiểu thương tại các chợ.
Ông Hồ Văn Sạn, Phó ban quản lý chợ vải Soái Kình Lâm (TP Hồ Chí Minh), cũng cho hay, do chợ là nơi tập trung khối lượng lớn về hàng hóa với nhiều chủng loại, trong đó có nhiều loại hàng hóa dễ cháy cho nên công tác PCCC tại chợ được xem là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm. Do đó, công tác PCCC cần phải huy động sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan chữa cháy, ban quản lý chợ và cả người dân.
Ông Trần Triều Dương, Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh: “Để hạn chế những nguy cơ cháy nổ tại các chợ, trước hết, người đứng đầu là Ban quản lý chợ cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về công tác PCCC cho tiểu thương. Ngoài việc kiểm tra định kỳ của cơ quan cảnh sát PCCC, Ban quản lý các chợ cần tăng cường công tác tự kiểm tra an toàn PCCC nhằm phát hiện kịp thời những sơ hở, sự cố để kịp thời ngăn chặn. Ngoài ra, các chợ phải tổ chức cải tạo, chỉnh trang, sửa chữa lại hệ thống điện. Bởi trong năm qua, các vụ cháy chợ diễn ra chủ yếu do chập điện. Đặc biệt, các chợ cần làm tốt việc xây dựng lực lượng, phương tiện chữa cháy tại chỗ, với phương châm 4 tại chỗ là “lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, vật tư hậu cần tại chỗ”. Thực tế cũng cho thấy, trên 50% số vụ cháy xảy ra trên địa bàn thành phố vừa qua đều do lực lượng tại chỗ dập tắt trước khi lực lượng cảnh sát PCCC đến nơi”.
Đại úy Nguyễn Hải Hưng, Đội phó Đội tuyên truyền về xây dựng phong trào toàn dân PCCC (Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội): “Ban quản lý các chợ phải chấn chỉnh các hộ kinh doanh không được bày hàng hóa lấn chiếm lối đi lại để đảm bảo công tác thoát nạn. Đặc biệt, không để hàng hóa ở gần dây dẫn điện, không thắp hương ở nơi bán hàng... Các chợ tạm sử dụng nhiều thiết bị điện “câu móc” của các hộ dân xung quanh để kinh doanh cần phải được công an cơ sở kiểm tra, ngăn chặn, bởi đây cũng là nguyên nhân dẫn đến quá tải, chập điện do không đảm bảo an toàn”.
Thượng tá Đỗ Thanh Hải, Phòng Tuyên truyền và xây dựng phong trào toàn dân PCCC và cứu hộ, cứu nạn: “Mặc dù Luật PCCC đã quy định trách nhiệm trong công tác PCCC của người đứng đầu cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhưng qua kiểm tra, nhiều nơi người đứng đầu chưa nghiêm túc thực hiện, dẫn đến cả cơ sở cùng chủ quan. Có người còn suy nghĩ việc PCCC là của công an, nên thiếu tích cực. Bên cạnh đó, khả năng phát hiện và xử lý ban đầu các vụ cháy của lực lượng PCCC tại chỗ rất hạn chế”. |
Hoàng Tuyết - Tiến Hiếu thực hiện