Ngày 26/7, nhân Ngày bệnh viêm gan thế giới (28/7), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã kêu gọi các chính phủ tăng cường các nỗ lực huy động các nguồn tài nguyên để chống căn bệnh vi rút này. WHO cảnh báo hiện trạng bệnh viêm gan nghiêm trọng hơn mọi dự báo của thế giới.
Căn bệnh này đã giết hại hơn 1 triệu người trên thế giới hàng năm và hơn 500 triệu người bị viêm gan mãn tính do nhiễm vi rút này, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến ung thư gan và xơ gan.
Ảnh minh họa, nguồn Internet |
Tiến sĩ Sylvie Briand, Giám đốc Vụ các bệnh lây nhiễm và dịch bệnh của WHO, nhấn mạnh, đại đa số những người nhiễm vi rút viêm gan đều không biết, không được chẩn đoán và không được điều trị. Thông qua tăng cường nhận thức về các dạng khác nhau của bệnh viêm gan và cách thức ngăn chặn và điều trị các dạng bệnh này, thế giới mới chỉ đi bước đầu tiên để tiến tới kiểm soát hoàn toàn căn bệnh này và cứu sống hàng triệu người hàng năm.
Trong 5 loại vi rút viêm gan A, B, C, D và E , 2 loại vi rút B và C đáng lo ngại nhất vì những người nhiễm hai loại này không hề có triệu chứng ở giai đoạn đầu của bệnh và chỉ bị phát hiện khi bệnh đã chuyển sang mãn tính. Bệnh có thể kéo dài nhiều thập kỷ sau khi lây nhiễm vi rút. Hai loại vi rút này là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến bệnh ung thư gan và xơ gan, gây ra tới 80% tổng số các ca ung thư gan trên thế giới.
Các vi rút viêm gan B, C lây nhiễm thông qua máu của người đã bị nhiễm bệnh hoặc qua quan hệ tình dục không an toàn.Vi rút viêm gan A và E lây nhiễm thông qua thực phẩm, nước bị nhiễm vi rút và gắn chặt với các điều kiện vệ sinh chung và vệ sinh cá nhân kém. Vi rút viêm gan D chỉ lây nhiễm ở người đã nhiễm vi rút viêm gan B.Vắc xin phòng chống vi rút viêm gan hiệu quả hiện đã có sẵn cho tất cả các loại vi rút trừ vi rút C.
Với quy mô cứ 12 người trên thế giới có 1 người bị nhiễm các loại vi rút viêm gan,WHO đã phát động khuôn khổ hành động toàn cầu mới phòng chống và kiểm soát căn bệnh ngày càng nguy hiểm này. Nâng cao nhận thức kết hợp với tăng cường các quan hệ đối tác và huy động các nguồn tài nguyên là ưu tiên trước hết trong 4 ưu tiên của khuôn khố hành động toàn cầu này.
Ba ưu tiên khác là chuyển các bằng chứng khoa học thành chính sách và hành động; ngăn chặn truyền bệnh; xét nghiệm, chăm sóc và điều trị. WHO thúc đẩy hợp tác với các nước thành viên cũng như các đối tác trong tất cả 4 lĩnh vực ưu tiên này để đưa các chương trình phòng chống và điều trị bệnh đến những người cần nhất. Khuôn khổ toàn cầu này cũng hướng dẫn phát triển các chiến lược chống bệnh viêm gan phù hợp với điều kiện mỗi nước và mỗi khu vực.
Anh Tuấn (P/v TTXVN tại LHQ)