Tuy nhiên, trước những cơ hội lớn đó, không ít doanh nghiệp, ngành hàng trong cả nước nói chung và doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh nói riêng vẫn đang loay hoay bài toán cải thiện nội lực để đáp ứng sân chơi hội nhập.
Hiệp định EVFTA được đánh giá là một trong những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, toàn diện, chất lượng cao và cân bằng về lợi ích sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, giảm áp lực phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống. Đồng thời, đây cũng là động lực để các doanh nghiệp trong và ngoài nước đẩy mạnh đầu tư, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của kinh tế Việt Nam.
Uớc tính của Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, EVFTA sẽ giúp xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng khoảng 21%/năm trong khoảng 10 năm đầu, cao hơn từ 4 - 6% so với khi chưa có EVFTA. Việc thực thi EVFTA dự kiến sẽ đưa kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU đạt 85 tỷ USD vào năm 2020 và đạt 220 tỷ USD vào năm 2025.
Phân tích những lợi thế mà EVFTA mang lại cho Việt Nam, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho biết, sở dĩ EVFTA có thể mang lại sự gia tăng đáng kể về xuất khẩu cho Việt Nam là bởi cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và EU mang tính bổ sung cho nhau. Trong khi Việt Nam xuất khẩu giày dép, dệt may, thủy sản, nông sản, đồ gỗ, điện thoại và linh kiện thì EU xuất khẩu chủ yếu là các sản phẩm chất lượng cao như dược phẩm, hóa mỹ phẩm, ô tô, các sản phẩm đầu vào cho sản xuất như máy móc, thiết bị, hóa chất…
Theo ông Ngô Chung Khanh, mặc dù trước khi EVFTA có hiệu lực, một số ngành hàng của Việt Nam đã nhận được ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) với mức thuế khá thấp nhưng EVFTA vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập cơ chế ưu đãi ổn định, lâu dài hơn vì thế sẽ thúc đẩy phát triển thương mại toàn diện hơn. Thêm vào đó, Việt Nam đang chiếm hơn 1/3 tổng giá trị xuất khẩu của ASEAN vào EU và là quốc gia thứ 2 trong ASEAN (sau Singapore) có FTA với EU. Do đó, EVFTA có hiệu lực sẽ giúp hàng hóa Việt Nam có lợi thế hơn hàng hóa các nước khác trong ASEAN.
Cùng chung nhận định, ông Phạm Bình An, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ hội nhập quốc tế TP Hồ Chí Minh cho rằng, EVFTA là một bước tiến mới của Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Nhìn chung, hầu hết các ngành hàng đều sẽ được hưởng lợi từ EVFTA nhưng nhóm ngành tiêu dùng như: dệt may, da giày, nông sản thủy sản sẽ có nhiều lợi thế đẩy mạnh xuất khẩu do được ưu đãi hơn bằng việc cắt giảm thuế sâu, cơ bản là sau 7 năm thực thi thì tất cả các dòng thuế đều về 0%.
Theo ông Phạm Bình An, không chỉ ưu đãi cắt giảm thuế quan, EVFTA còn có các cơ chế hiệu quả giúp xúc tiến xuất khẩu liên quan đến hàng rào phi thuế quan biện pháp vệ sinh và kiểm dịch (SPS), hàng rào kỹ thuật (TBT), thủ tục hải quan, công nhận chỉ dẫn địa lý, hỗ trợ kỷ thuật và xây dựng năng lực.
Quan trọng hơn cả, từ lợi thế ưu đãi thuế nhập khẩu cũng như các cơ chế tạo thuận lợi thương mại cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, EVFTA sẽ tạo ra nhiềm tin cho các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, phát triển sản xuất tại Việt Nam để xuất khẩu sang EU. Qua đó, tạo sự chuyển biến tích cực về năng lực và lợi thế cạnh tranh trong dài hạn cho Việt Nam.
Theo tính toán của Hiệp hội doanh nghiệp Dệt may Việt Nam, việc thực thi EVFTA có thể giúp đưa kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam vào EU tăng mạnh sau năm 2020. Hiện nay, EU đang chiếm khoảng 21% tổng giá trị xuất khẩu dệt may nhưng nếu doanh nghiệp tận dụng tốt, xuất khẩu vào EU có thể chiếm tới 25% hoặc thậm chí có thể đạt 30% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam vào năm 2025.
Ở góc độ của một doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu hàng dệt may, ông Trần Như Tùng, thành viên Hội đồng quản trị Công ty Dệt may Thành Công nhận định, EVFTA là một hiệp định mang lại nhiều lợi thế cho ngành dệt may Việt Nam bởi dung lượng thị trường EU rất lớn, trong khi số lượng hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu vào đây còn khá ít. Sản phẩm dệt may Việt Nam hiện xuất khẩu nhiều đến thị trường Mỹ và Nhật Bản, còn tỷ trọng đi EU mới chiếm khoảng 21% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Theo ông Trần Như Tùng, trước đây, thị trường EU thường lựa chọn nhà cung ứng ở các quốc gia có FTA chung do lợi thế cạnh tranh về thuế nhập khẩu (chênh lệch từ 8 - 12%) nên các doanh nghiệp Việt Nam chưa có nhiều cơ hội tiến sâu vào thị trường này. Tuy nhiên, khi EVFTA đi vào thực thi, gần một nửa dòng thuế nhập khẩu hàng dệt may Việt Nam được xóa bỏ ngay, phần còn lại được cắt giảm trong thời gian 3 - 7 năm thì dệt may Việt Nam sẽ tạo được lợi thế cạnh tranh nhất định. Thêm vào đó, so với các nước đã có FTA với EU trước Việt Nam thì chi phí nhân công ở Việt Nam vẫn khá cạnh tranh, hàng dệt may Việt Nam vì thế sẽ có thêm sức cạnh tranh về giá thành.
Hơn nữa, mặc dù yêu cầu về quy tắc xuất xứ của EVFTA cao hơn hầu hết các FTA khác mà Việt Nam đang thực thi nhưng vẫn dễ thở hơn so với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Với sản phẩm dệt may, CPTPP yêu cầu quy tắc xuất xứ 3 công đoạn từ sợi trở đi còn EVFTA chỉ yêu cầu 2 công đoạn trở đi và cho phép sử dụng nguyên liệu từ các quốc gia có FTA với EU. Do đó, những doanh nghiệp xuất khẩu đã tận dụng được ưu đãi từ CPTPP thì cũng dễ dàng tận dụng được ưu đãi của EVFTA.
Thủy sản được xem là ngành được hưởng lợi nhiều từ EVFTA bởi trước đó đang chịu mức thuế cơ sở khá cao (6 - 22%), nhưng ngay khi hiệp định có hiệu lực, 50% số dòng thuế sẽ được xóa bỏ ngay và sau 7 năm sẽ xóa bỏ hoàn toàn các dòng thuế (trừ cá ngừ đóng hộp và cá viên sử dụng hạn ngạch thuế quan).
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam phân tích, EVFTA với những cam kết về cắt giảm thuế quan đối với nhiều mặt hàng thủy sản của Việt Nam sẽ giúp thủy sản Việt Nam có lợi thế cạnh tranh tốt hơn so với thủy sản các quốc gia khác, tạo cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phát triển tốt thị trường EU. Trong bối cảnh những năm vừa qua xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào EU khá trầm lắng thì EVFTA có hiệu lực sẽ là cú hích cho sự gia tăng sức mua của khu vực thị trường này.
Một trong những lý do mà ngành thủy sản Việt Nam mong chờ EVFTA đi vào thực thi là bởi hiệp định này được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam phục hồi lại hoạt động xuất khẩu cá tra vào thị trường EU, nhất là các nước nói tiếng Tây Ban Nha sau thời gian chịu nhiều sức ép về cạnh tranh và truyền thông. Theo đó, EVFTA với các điều khoản cam kết về môi trường và truy xuất nguồn gốc chặt chẽ sẽ giúp tâm lý các nhà nhập khẩu yên tâm hơn, từ đó gia tăng được sản lượng xuất khẩu cá tra.
Không chỉ hỗ trợ gia tăng xuất khẩu, EVFTA còn được cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng sẽ thiết lập môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng và tạo sức hút đầu tư vào kinh tế nội địa. Ông Nguyễn Viết Toàn, Giám đốc Công ty ETEC chia sẻ, EVFTA có ý nghĩa đặc biệt với các doanh nghiệp, bởi việc thực thi EVFTA cũng như các FTA thế hệ mới khác chính là cơ hội để Việt Nam cải thiện và thay đổi một cách kịp thời đối với những quy định về mặt luật pháp và thể chế. Từ đó thiết lập môi trường đầu tư kinh doanh công bằng, minh bạch hơn.
Đối với các ngành như dịch vụ, kỹ thuật, công nghệ tự động hóa, ông Toàn cho rằng, Việt Nam hiện chưa có nhiều sản phẩm để cạnh tranh với các nước châu Âu. Nhờ vậy, EVFTA chính là cánh cửa để Việt nam hấp thu các thành tựu của EU về máy móc công nghệ và mở ra cơ hội đầu tư cho các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực này, tạo nền tảng cho sự phát triển bứt phá hơn trong tương lai.
Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh cho rằng, EVFTA là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, toàn diện, đem lại rất nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam.Theo đó, phần lớn hàng rào thuế quan sẽ được gỡ bỏ giúp hàng hóa, sản phẩm Việt Nam dễ dàng tiếp cận vào khu vực thị trường rộng lớn, nhiều tiềm năng với quy mô dân số hơn 500 triệu người, chiếm khoảng 22% GDP của toàn thế giới. EU cũng là khu vực có hoạt động thương mại sôi động với kim ngạch xuất nhập khẩu hàng năm đạt hơn 3.800 tỷ USD.
Theo ông Chu Tiến Dũng, việc tiếp cận khu vực thị trường phân khúc cao như EU là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam cọ xát, nâng cao năng lực quản trị, trình độ kinh doanh, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và sự minh bạch về thông tin.
“Việc tuân thủ các tiêu chuẩn đã cam kết với EU cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam cải tiến, nâng cấp mình lên một tầm cao mới, đáp ứng yêu cầu về mặt chất lượng, kỹ thuật cũng như tạo ra giá trị phát triển bền vững”, ông Chu Tiến Dũng nhấn mạnh.
Bài 2: Giải pháp về nguồn cung nguyên liệu