Cơ sở sản xuất chổi đót của chị Tô Thị Kim Thúy ở thôn Mỹ Thành (xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa) tuy hoạt động theo quy mô kinh tế hộ nhưng công việc ở đây đã được chuyên môn hóa; mỗi người làm một công đoạn rõ ràng, người tách đót, người bó đót, người chặt dây thép để buộc... Chị Thúy chia sẻ, gia đình có một ít vốn nhưng được Nhà nước cho vay ưu đãi 100 triệu đồng nên có tiền để mua nguyên liệu có thể làm liên tục 3 đến 4 tháng. Trong nhà luôn có 8 đến 9 người làm việc và trung bình mỗi ngày làm được 300 cây chổi với giá bán từ 15.000 - 20.000 đồng/chiếc tùy loại. Những người đến làm công ăn theo sản phẩm thì trung bình mỗi ngày được 100.000 đồng.
Các hộ dân chuyên sản xuất chổi đót ở thôn Mỹ Thành, xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa đã được vay vốn của ngân hàng để sản xuất và phát triển nghề thủ công. |
Đây là mức thu nhập cao hơn rất nhiều so trồng lúa. Xã Hòa Thắng, bình quân mỗi khẩu chỉ được 1 sào lúa nước (500 m2). Nếu năng suất lúa 8 tấn/ha và giá 5.000 đồng/kg thì mỗi sào lúa chỉ bán được 2 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí còn thu nhập 800.000 đồng cho một vụ lúa thời gian là 6 tháng. Chính vì thu nhập từ nghề thủ công này khá cao ở nông thôn, nên nhiều cơ sở chổi đót ở Mỹ Thành thu hút mỗi ngày từ 7 đến 20 người làm công. Họ là nông dân và làm việc lúc nông nhàn.
Những năm qua, thôn Mỹ Thành đã được Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Phú Yên cho vay gần 1,2 tỷ đồng, qua đó giải quyết việc làm cho 225 hộ chuyên làm nghề này. Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Phú Yên - ông Hồ Văn Thục khẳng định, thông qua các dự án nhỏ, ngân hàng đã giải ngân gần 140 tỷ đồng trong 5 năm qua, tạo việc làm cho 12.050 lao động; trong đó có 37 làng nghề mang lại hiệu quả kinh tế và cải thiện đời sống người dân, chủ yếu ở vùng nông thôn vốn là khu vực còn thiếu việc làm. Hiện nay, tổng dư nợ từ nguồn vốn giải quyết việc làm hơn 84 tỷ đồng với 4.953 hộ đang vay.
Tương tự, tại xã An Dân (huyện Tuy An), Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Phú Yên đã cho 731 hộ vay gần 13 tỷ đồng. Để đảm bảo nguồn vốn vay sử dụng đúng mục đích, UBND xã đã thành lập 21 tổ tiết kiệm vay vốn và tiến hành bình xét từng hộ. Anh Trương Văn Dũng ở thôn Phú Mỹ (xã An Dân) 46 tuổi nhưng 25 năm làm nghề thúng chai cho hay, nhờ nguồn vốn vay 20 triệu đồng nên gia đình có điều kiện mua tre tích trữ làm cả mùa mưa và thuê thêm người làm. Mỗi tháng nhà anh Dũng xuất 40 thúng chai, giá bình quân là 700.000 đồng/chiếc. Toàn bộ thúng chai đều đã có người ở các tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận, Bình Định đến đặt trước. Nếu ngân hàng cho vay thêm sẽ tạo điều kiện cho các hộ trong thôn mở rộng sản xuất.
Anh Nguyễn Đức Minh, Phó chủ tịch UBND xã An Dân (huyện Tuy An) cho biết, nghề làm thúng chai là nghề cha truyền con nối từ lâu đời. Bà con sản xuất thủ công tại gia đình nhưng do không có vốn nên đầu tư ít. Ngân hàng CSXH đã cho 9 hộ vay mỗi hộ 20 triệu đồng đã có thêm vốn để mua nguyên liệu là cây tre, đồng thời các hộ này cũng tạo thêm việc làm cho các hộ lân cận. Sắp tới xã sẽ tiếp tục mở rộng cho vay chăn nuôi.
Để quản lý nguồn vốn sử dụng đúng mục đích, ngân hàng phối hợp với các hội, đoàn thể cấp xã thành lập gần 2.500 tổ tiết kiệm vay vốn. Qua kiểm tra cho thấy các đối tượng vay đều sử dụng vốn đúng mục đích, phù hợp với nhu cầu sản xuất, kinh doanh cũng như mục tiêu phát triển kinh tế tại từng địa phương. Hầu hết các đối tượng vay đều trả nợ đúng hạn và hiện nay số nợ quá hạn chỉ chiếm tỉ lệ 0,44% - Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Phú Yên, ông Hồ Văn Thục cho biết thêm.
Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Phú Yên đề ra mục tiêu trong 5 năm tới, bình quân mỗi năm tăng dư nợ gần 40 tỷ đồng để giải quyết việc làm cho các đối tượng, phấn đấu đến cuối năm 2020 ước dư nợ ít nhất 272 tỷ đồng. Đối tượng giải quyết việc làm ở tỉnh Phú Yên còn rất lớn nên cần nhất là cho vay đúng đối tượng, quản lý nguồn vốn hiệu quả. Phía Ngân hàng CSXH cũng tham mưu với chính quyền cấp tỉnh, cấp huyện, hàng năm trích một phần ngân sách chuyển cho các ngân hàng chính sách cùng cấp để tiếp tục cho vay đối tượng này.
Hiện Chi nhánh Ngân hàng CSXH Phú Yên tiếp tục phối hợp với chính quyền các địa phương, các hội, đoàn thể thực hiện lồng ghép chương trình an sinh xã hội với chính sách khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; đồng thời thực hiện tốt kế hoạch thu hồi nợ phân kỳ, nợ đến hạn để chủ động tăng cường nguồn vốn cho vay, sử dụng vốn có hiệu quả, tạo việc làm và tăng thêm thu nhập, góp phần cải thiện đời sống cho người dân.