Hiệu quả của nghề nuôi cá nước lạnh

Nuôi cá nước lạnh là nghề mới ở nước ta. Đề án nuôi thử nghiệm cá nước lạnh được Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I khởi động năm 2005 tại Thác Bạc (huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai). Năm 2007 đã chuyển vào nuôi thử nghiệm tại tỉnh Lâm Đồng. Sau 6 năm thử nghiệm, phong trào nuôi cá nước lạnh đã phát triển mạnh trên 14 tỉnh, điển hình là Lào Cai, Lâm Đồng, Lai Châu, Yên Bái, Tuyên Quang, Sơn La…

Phát triển nhanh chóng

Sản lượng cá nước lạnh cả nước hiện ước đạt 800 tấn, riêng tỉnh Lâm Đồng sản lượng cá nước lạnh tăng nhanh: Năm 2007 sản lượng là 20 tấn thì đến năm 2011 dự kiến là 400 tấn, sau 5 năm sản lượng tăng lên 20 lần, bình quân tăng 4 lần/năm, hiện nay có 13 đơn vị đã triển khai thực hiện đầu tư nuôi cá nước lạnh tại Lâm Đồng với tổng số vốn gần 360 tỷ đồng. Năng suất bình quân đối với ao nuôi nước chảy là 13,5 tấn/ha (trên 4 tỷ đồng), đối với cá tầm nuôi lồng bè trên hồ chứa khoảng 10 kg -15 kg/m3 lồng.

Thu hoạch cá tầm tại hồ Đa Mi (Bình Thuận).Ảnh: Huy Hùng – TTXVN


Phong trào nuôi cá nước lạnh phát triển mạnh vì hiệu quả kinh tế rất cao. Giá bán cá hồi thương phẩm vào mùa vụ tại các khu vực sản xuất là 300.000 đồng/kg, hiện nay đã tăng lên 450.000 đồng/kg mà vẫn đắt hàng; trong khi đó giá thành sản xuất chỉ khoảng 140.000 đồng/kg. Đối với nuôi cá tầm lấy trứng hiệu quả còn cao hơn nhiều lần so với nuôi cá hồi…

Mục tiêu đến năm 2015, tổng sản lượng cá nước lạnh đạt 1.500 tấn (tăng gần 2 lần so với hiện nay), trong đó cá tầm đạt 1.000 tấn, cá hồi đạt 500 tấn.

Còn nhiều bất cập cần sớm tháo gỡ

Tuy nhiên, bên cạnh hiệu quả đáng khích lệ đó, vẫn còn có những bất cập cần khắc phục. Trước tiên, việc nuôi cá nước lạnh phát triển chưa có quy hoạch. Đến nay phong trào phát triển nuôi cá nước lạnh vẫn tự phát, mạnh ai nấy làm, người làm sau chọn vị trí phía trên người làm trước gây ô nhiễm nguồn nước và dịch bệnh là điều khó trách khỏi.

Tiếp đó là vấn đề giống. Hiện nay nước ta chỉ sản xuất được cá hồi, còn cá tầm phải nhập khẩu trứng đã thụ tinh về ấp với giá rất cao, khoảng 10.000 đồng/quả (dự kiến đến năm 2015) mới chủ động được hoàn toàn giống. Do việc nuôi cá nước lạnh hiệu quả cao nên nhiều doanh nghiệp nuôi thương phẩm cá nước lạnh lần lượt ra đời, mở rộng đến tất cả những nơi có thể nuôi được như khe suối, sông, hồ... Trong khi đó, chúng ta chưa sản xuất được giống cá tầm. Giống cá hồi tuy sản xuất được nhưng giá thành còn cao. Có doanh nghiệp biết giữ uy tín và trọng dụng khách hàng, chia sẻ hài hòa các lợi ích thì cả người mua và người bán đều có lợi. Cũng có nhiều người làm ăn chụp giật kiểu “đánh nhanh rút gọn” miễn bán được giống, lãi càng nhiều càng tốt, điều này dẫn đến người mua bị thiệt. Đây cũng là dấu hiệu bất ổn của nghề nuôi cá nước lạnh về lâu dài.

Bất cập thứ ba hiện nay đối với nghề nuôi cá nước lạnh chính là nguồn thức ăn. Việt Nam vẫn phải nhập khẩu thức ăn cho cá nước lạnh từ các nước Pháp, Phần Lan… Theo thống kê, năm 2011, Việt Nam nhập khoảng 350 tấn. Một số doanh nghiệp đã mạnh dạn dùng thử thức ăn sản xuất trong nước và đang kiểm nghiệm chất lượng thịt cá thương phẩm để đối chứng.

Hiện Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chủ trì dự án phát triển nuôi thủy đặc sản là cá nước lạnh giai đoại 2011-2013. Trung tâm đã xây dựng mô hình nuôi cá hồi tại tỉnh Lào Cai, Lâm Đồng và nuôi cá tầm tại tỉnh Thái Nguyên, Đắk Lắk với tổng kinh phí trên 4 tỷ đồng đang phát huy hiệu quả tích cực trong việc thúc đẩy phong trào nuôi cá nước lạnh của cả nước.

Kim Văn Tiêu

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN