Hội thảo “Hoạt động khuyến nông phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long”, do Trung tâm Khuyến nông quốc gia (TTKNQG) phối hợp cùng UBND tỉnh Đồng Tháp, Công ty Dekalb Việt Nam tổ chức, vừa diễn ra tại tỉnh Đồng Tháp. Hội thảo nhằm rà soát lại tình hình canh tác tại địa bàn ĐBSCL, đánh giá các mô hình chuyển đổi tiêu biểu và kế hoạch hành động, nhằm giúp nông dân chuyển đổi thành công theo hướng nâng cao thu nhập và phát triển bền vững.
Tháng 6/2013, trước những khó khăn trong sản xuất tiêu thụ lúa gạo và tình trạng liên tục nhập siêu nguyên liệu phục vụ ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra chủ trương chuyển đổi 200.000 ha đất trồng lúa bấp bênh sang trồng màu.
Sau 3 tháng triển khai chuyển đổi, theo đánh giá của Bộ, mô hình chuyển đổi từ trồng lúa sang canh tác ngô lai (do TTKNQG và Công ty Dekalb Việt Nam phối hợp thực hiện) đã trở thành điểm sáng tại khu vực ĐBSCL, giúp nông dân thu về thêm hàng chục tỷ đồng. Tính riêng 3 tháng qua, bà con trồng ngô đã có mức lãi trung bình là 11 - 17 triệu đồng/ha, gấp 2,5 - 4 lần so với trồng lúa.
Không chỉ tăng thu nhập cho bà con nông dân, việc chuyển đổi này còn góp phần đảm bảo nguồn nguyên liệu cho sản xuất thức ăn chăn nuôi. Ông Mai Thành Phụng (Trung tâm Khuyến nông quốc gia khu vực miền Nam) cho biết: "Ngô và đậu nành là hai cây trồng chủ chốt nhất cho chương trình chuyển đổi phục vụ nhiều mục tiêu. 9 tháng đầu năm 2013, chúng ta bỏ ra 2,42 tỷ USD nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, trong khi đó chỉ thu về 2,35 tỷ USD từ xuất khẩu gạo ra toàn thế giới. Đây là sự bất thường trong cơ chế sản xuất. Để giải quyết sự “bất thường” này, gần đây chúng tôi rất kỳ vọng vào mô hình canh tác ngô lai kết hợp cơ giới hóa của Công ty Dekalb. Mục tiêu là làm sao chúng ta có thể sản xuất ra được thêm 500.000 tấn ngô nông sản trong thời gian sớm nhất có thể và hướng tới mục tiêu chủ động nguồn ngô phục vụ ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi”.
Cũng theo ông Phụng, công tác chuyển đổi lúa - ngô đã đạt được những thành công bước đầu, nhưng để mô hình có thể nhân rộng, cần đảm bảo hai vấn đề chính. Về đầu vào - nghĩa là hoạt động canh tác, ngành khuyến nông khu vực ĐBSCL cần gấp rút rà soát lại diện tích đất lúa thích hợp chuyển đổi, lên kế hoạch tuyên truyền và đào tạo cho nông dân về mô hình chuyển đổi. Về đầu ra - nghĩa là hoạt động thu mua, cần tích cực làm việc với các đơn vị thu mua, công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi để doanh nghiệp có thông tin về chất lượng và nguồn cung ngô lai nội địa, tránh tình trạng nông dân được mùa mà doanh nghiệp lại phải đặt hàng từ nước ngoài, vì thiếu thông tin.
A.M