Hiroshima tưởng niệm 69 năm thảm họa bom nguyên tử

Ngày 6/8, hàng nghìn người Nhật Bản sống sót sau vụ Mỹ ném bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima cách đây 69 năm cùng các nhà hoạt động hoà bình và quan chức đã tới dự lễ tưởng niệm các nạn nhân của thảm kịch này.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (phải, phía trước) dành một phút mặc niệm các nạn nhân vụ ném bom nguyên tử tại lễ tưởng niệm. Ảnh: AFP/ TTXVN


Theo hãng tin Nhật Bản Kyodo, Thủ tướng Shinzo Abe, Đại sứ Mỹ Caroline Kennedy, đại diện các cường quốc hạt nhân Anh, Pháp và Nga cùng 64 nước khác đã có mặt từ sáng sớm tại Công viên Tưởng niệm Hoà bình được xây dựng cách tâm điểm của vụ nổ chỉ vài trăm mét.

Đúng 8 giờ 15 phút sáng (theo giờ địa phương), thời khắc 69 năm trước quả bom nguyên tử có biệt danh "Cậu bé" phát nổ ở độ cao 600 mét trên bầu trời Hiroshima, những người tham dự đã dành một phút im lặng tưởng nhớ đến khoảng 140.000 người đã thiệt mạng trong vụ ném bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới này.

Trong bản Tuyên ngôn Hoà bình đọc tại buổi lễ, Thị trưởng Hiroshima Kazumi Matsui nhấn mạnh Nhật Bản cần tiếp tục là một dân tộc hoà bình "cả trong lời nói lẫn hành động". Ông cũng cam kết rằng sáng kiến chống hạt nhân quốc tế có tên "Các thị trưởng vì hòa bình" do ông đứng đầu sẽ hợp tác với các tổ chức phi chính phủ và Liên hợp quốc trong nỗ lực loại bỏ vũ khí hạt nhân, mục tiêu mà sáng kiến này đặt ra là trước năm 2020 thông qua đàm phán một hiệp ước.

Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Abe cam kết sẽ không từ bỏ nỗ lực nào hướng tới việc loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân và xây dựng hòa bình thế giới. Ông nhấn mạnh là nước duy nhất trong lịch sử loài người phải hứng chịu sự tàn phá hạt nhân trong chiến tranh, Nhật Bản gánh trách nhiệm kiến tạo một thế giới không có vũ khí hạt nhân, tiếp tục làm cho các thế hệ tương lai cũng như toàn thể thế giới nhận rõ tính phi nhân đạo của các loại vũ khí này.

Sau buổi lễ, các nhóm nạn nhân sống sót sau vụ ném bom nguyên tử ở Hiroshima đã đề nghị Thủ tướng Abe rút lại quyết định của nội các hồi tháng trước cho phép các Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản hỗ trợ các đồng minh trong trường hợp họ bị tấn công. Ông Abe nói rằng sẽ nỗ lực hơn nữa để người dân hiểu rõ về vấn đề này.

Trong một tuyên bố do Đại sứ quán Mỹ tại Nhật Bản đưa sau đó, Đại sứ Kennedy nêu rõ đây là một ký ức đau buồn và cũng là một lời cam kết được nhắc lại về việc cần xây dựng một thế giới thanh bình hơn.

Ngày 6/8/1945, Mỹ ném quả bom nguyên tử đầu tiên xuống thành phố Hiroshima và ba ngày sau ném quả thứ hai xuống thành phố Nagasaki. Ngày 15/8 năm đó, Nhật Bản đầu hàng các lực lượng đồng minh, chấm dứt Chiến tranh Thế giới II.


TTXVN/Tin tức
69 năm và bài học từ nỗi đau bom nguyên tử Hiroshima, Nagasaki
69 năm và bài học từ nỗi đau bom nguyên tử Hiroshima, Nagasaki

8 giờ 15 phút sáng ngày mùng 6/8/1945, cùng với tiếng nổ kinh thiên động địa, một đám mây hình nấm to dần, bao trùm bầu trời thành phố Hiroshima, Nhật Bản. Mỹ đã ném quả bom nguyên tử đầu tiên xuống nơi này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN