Hỗ trợ giáo viên miền núi bám bản - Kì 2: Để giáo viên vùng khó gắn bó với nghề

Với nhiều giáo viên đang giảng dạy tại những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì việc điều chỉnh chế độ theo Nghị định 19/2013/NĐ - CP là nguồn động viên to lớn, giúp họ thêm gắn bó với công việc.

 

Nhiều ưu đãi


Nghị định 19/2013/NĐ - CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 61/2006/NĐ - CP về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được Chính phủ ban hành, có hiệu lực từ ngày 15/4 vừa qua đã đem lại niềm vui cho những giáo viên đang công tác tại vùng khó khăn.

 

Cô giáo Phạm Thị Khánh (Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Điện Biên) đang hướng dẫn học sinh cách sử dụng bản đồ để học tốt môn địa lí. Ảnh: Quý Trung - TTXVN

 

Nghị định quy định, nếu nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đến công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có gia đình chuyển đi theo thì được trợ cấp chuyển vùng bằng 12 tháng lương tối thiểu chung cho một hộ tại thời điểm nhận công tác, luân chuyển (thay cho mức trợ cấp là 6,5 triệu đồng như quy định hiện hành). Mức trợ cấp lần đầu thay vì quy định cụ thể là 4 triệu đồng thì Nghị định mới quy định mức trợ cấp lần đầu bằng 10 tháng lương tối thiểu chung cho một người.


Theo ông Vũ Văn Sử, Phó Giám đốc Sở GD - ĐT tỉnh Hà Giang, cách điều chỉnh mức hỗ trợ chuyển vùng, hỗ trợ lần đầu theo mức lương tối thiểu vùng thể hiện sự linh hoạt, bền vững của chính sách. Điểm mới rất có ý nghĩa khác là quy định khi hết thời hạn công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn mà chưa được thực hiện việc luân chuyển công tác trở về nơi ở, giáo viên vẫn tiếp tục được hưởng phụ cấp thu hút bằng 70% mức lương hiện hưởng và phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).


“Ý nghĩa của chính sách không chỉ nằm ở mặt vật chất mà còn thể hiện sự quan tâm của Nhà nước với những giáo viên đang cống hiến cho sự nghiệp giáo dục tại vùng đặc biệt khó khăn. Bù đắp bằng sự quan tâm, bằng chế độ là sự bù đắp đúng đắn và bền vững nhất”, ông Sử chia sẻ.


Ông Lưu Tuấn Anh (hơn 15 năm công tác ở vùng khó khăn thuộc tỉnh Thanh Hóa), chia sẻ: “Trước đây, với mức lương chỉ cao hơn so với giáo viên miền xuôi 35% mà chi phí đi lại tốn kém nên để tiết kiệm, có khi phải 2 - 3 tháng tôi mới về thăm nhà một lần. Nay được hưởng thêm phụ cấp thu hút, tôi sẽ có thêm khoản tiền để đỡ đần gia đình và yên tâm công tác hơn”. Còn ông Đinh Chương, giáo viên trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Sơn Động (Bắc Giang) thì bày tỏ niềm vui: “Cuối cùng thì cán bộ giáo viên chúng tôi cũng thỏa niềm mong ước. Nhiều giáo viên như chúng tôi, dù đã hết thời hạn luân chuyển nhưng vẫn yên tâm ở lại công tác ở vùng đặc biệt khó khăn. Việc tiếp tục cho các giáo viên được hưởng phụ cấp thu hút là hoàn toàn chính đáng và cần thiết để chúng tôi bớt thiệt thòi”.

 

Cần tăng mức đầu tư cho giáo dục vùng khó khăn


Trước đây, do chỉ được hưởng phụ cấp thu hút bằng 70% lương trong vòng 5 năm, trong khi có những giáo viên công tác ở vùng đặc biệt khó khăn hàng chục năm. Do đó, nhiều cán bộ, giáo viên sau khi không được hưởng phụ cấp thu hút đã không “mặn mà” ở lại vùng khó khăn công tác lâu dài. Nghị định lần này sẽ giúp giáo viên không cần phải “chạy ngược chạy xuôi” để xin về nữa. Tuy nhiên, để giáo viên yên tâm gắn bó lâu dài với vùng khó, các cơ chế, chính sách đãi ngộ cho giáo viên cần tiếp tục được hoàn thiện.


Quan tâm phát triển GD - ĐT không chỉ thể hiện trong việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất như trường lớp, thư viện, nhà ở... Một nhân tố rất quan trọng để nâng cao chất lượng dạy và học là xây dựng mối quan hệ gắn bó giữa giáo viên và học sinh. Muốn vậy, phải có chính sách đãi ngộ thỏa đáng với đội ngũ giáo viên công tác ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Trong những năm qua, nguồn giáo viên đang công tác tại miền núi và vùng dân tộc thiểu số chủ yếu dựa vào nguồn từ miền xuôi lên. Nhiều người đến đây làm nghĩa vụ vài ba năm rồi lại có nhu cầu chuyển vùng.


Vì vậy, Nhà nước cần xây dựng, ban hành các chế độ, chính sách nhằm động viên, đãi ngộ các giáo viên cho vùng cao, vùng sâu; xác định ưu tiên và tăng chi ngân sách cho các tỉnh đặc biệt khó khăn; cấp phát miễn phí sách giáo khoa và xây dựng tủ sách cho các điểm trường; cho phép các trường kí hợp đồng bổ sung giáo viên ngoài biên chế...


Qua tìm hiểu, hiện nay, tỉnh miền núi Tuyên Quang đã có những chính sách đối với giáo viên đang công tác như sau: Giáo viên giảng dạy tại điểm trường chính được trợ cấp 20.000 đồng/người/tháng; giáo viên dạy ở thôn bản và lớp ghép là 40.000 đồng/người/tháng; dạy trường chuyên 15.000 đồng/người/tháng; giáo viên giỏi cấp tỉnh trợ cấp một lần là 250.000 đồng/người. Mặc dù mức trợ cấp chưa cao nhưng đã có tác dụng động viên, thể hiện sự quan tâm của tỉnh đối với đội ngũ giáo viên.


Ngoài các chế độ về tiền lương và phụ cấp như trên, cần phải có các chính sách khác như: ưu đãi và quy định hợp lí tuổi nghỉ hưu, tăng cường xây dựng cơ sở vật chất cho các trường, bồi dưỡng nghiệp vụ nâng cao trình độ cho giáo viên. Đồng thời, chương trình giảng dạy cũng cần có sự điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện địa hình, văn hóa của từng vùng, không thể dập khuôn y nguyên chương trình giảng dạy của miền xuôi để mang lên miền ngược. Để thực hiện các chính sách trên phải có sự quan tâm của các cấp ngành theo phương châm “xã hội học tập”.


Hoàng Dương

Hỗ trợ giáo viên miền núi bám bản - Kì 1: Nỗi niềm giáo viên ở bản
Hỗ trợ giáo viên miền núi bám bản - Kì 1: Nỗi niềm giáo viên ở bản

Mặc dù hiện nay Nhà nước đã có những chính sách hỗ trợ giáo viên công tác tại miền núi nhưng với những khó khăn mà họ đang phải đối diện thì họ cần nhiều chính sách hỗ trợ hơn nữa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN