Ngày 29/9, Trường ĐH Sư phạm - Đại học Thái Nguyên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức hội thảo “Đánh giá tác động bền vững của chương trình cấp học bổng hỗ trợ sinh viên dân tộc thiểu số”.
UBDT trao học bổng cho sinh viên dân tộc thiểu số có thành tích cao. Ảnh: cema.gov.vn |
Các đại biểu đánh giá: Chương trình hỗ trợ học bổng cho sinh viên dân tộc thiểu số có cơ hội trở thành giáo viên là rất thiết thực và cần thiết, giúp sinh viên dân tộc thiểu số khắc phục khó khăn về tài chính, hạn chế về đặc điểm tâm lý và năng lực. Thông qua chương trình, sinh viên dân tộc thiểu số được phát triển năng lực nghề nghiệp và phẩm chất nhân cách người giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp quy định... Chương trình cũng góp phần khắc phục tình trạng mất cân đối về cơ cấu vùng miền trong phân bổ giáo viên ở vùng núi, vùng đặc biệt khó khăn, nơi có đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống; nâng cao chất lượng giáo dục miền núi, thực hiện công bằng trong giáo dục.
Nhiều đại biểu cho rằng cần có “cơ chế” phối hợp giữa trường đại học với các địa phương, sở Giáo dục và Đào tạo. Cụ thể, hàng năm, các trường có trách nhiệm thông báo, gửi danh sách sinh viên tham gia chương trình và tình hình cụ thể về kết quả học tập, rèn luyện, kết quả tốt nghiệp…Từ đó, sở Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với địa phương phân công công tác cho sinh viên sau khi tốt nghiệp về dạy tại các vùng, các trường có nhu cầu. Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần quan tâm hơn trong việc chỉ đạo các địa phương trong việc tuyển dụng, bố trí việc làm đối với sinh viên các dân tộc thiểu số để các em có điều kiện thực hiện đúng cam kết đã ký khi tham gia chương trình.
Chương trình cấp học bổng hỗ trợ sinh viên dân tộc thiểu số nằm trong Dự án phát triển giáo viên THPT và trung cấp chuyên nghiệp, đã khởi động vào đầu năm 2007. Đến nay, dự án đã cấp 5.044 suất học bổng cho sinh viên người dân tộc thiểu số được đào tạo thành giáo viên THPT và trung cấp chuyên nghiệp, đạt 100,88% kế hoạch.
Thu Hằng