Chính sách phát triển nhà ở cho người nghèo luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm và không phân biệt vùng miền, đô thị hay nông thôn. Để hiểu rõ hơn về chính sách này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã chia sẻ trong chương trình "Dân hỏi Bộ trưởng trả lời" trên VTV1, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, TTXVN và một số cơ quan truyền thông khác.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết: Mặc dù nguồn ngân sách còn hạn chế, nhưng những năm qua, Nhà nước luôn dành nguồn kinh phí đáng kể để hỗ trợ cho các chương trình nhà ở nông thôn như: Chương trình 167 đã hỗ trợ cho trên 500.000 hộ nghèo khu vực nông thôn; giai đoạn II của Chương trình sẽ tiếp tục hỗ trợ cho trên 500.000 hộ nữa. Cùng đó là loại hình nhà ở cho người có công, nhà ở cho người dân vùng ngập lũ. Nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long đã giúp cho 200.000 hộ chống chọi được khi lũ về. Nhà ở cho người dân vùng biển cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt. Chính phủ đã thí điểm chương trình xây dựng 700 căn hộ chống bão lũ thành công và tiếp tục ký Quyết định số 48 về việc thực hiện hỗ thêm 40.000 hộ được xây nhà tránh bão lũ. Bộ Xây dựng đang phối hợp với chính quyền các tỉnh miền Trung thực hiện khẩn trương, quyết liệt và phấn đấu đến 2016 hoàn thành mục tiêu này.
Cũng theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, công nhân là người tạo ra sản phẩm chính, đóng góp cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhưng họ lại chịu nhiều khó khăn, trong đó đặc biệt là khó khăn về nhà ở. Bởi vậy, với trách nhiệm là cơ quan của Chính phủ phụ trách về lĩnh vực phát triển nhà ở, Bộ Xây dựng đã cùng với các bộ, ngành Trung ương xây dựng và đề nghị Chính phủ ban hành nhiều chính sách thiết thực liên quan đến phát triển nhà ở, bảo đảm an sinh xã hội. Trong đó, Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia là điểm sáng, lần đầu tiên ra đời và khẳng định được quan điểm mới về phát triển nhà ở.
“Không thể chỉ duy trì một loại hình nhà ở thương mại theo cơ chế thị trường mà phải phát triển song hành cả nhà ở xã hội.
Như vậy, nhu cầu của thị trường nhà ở hàng hóa vẫn tồn tại, nhưng vẫn có quỹ nhà đáp ứng cho những người dân không có khả năng thanh toán theo thị trường. Cùng với Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia còn có Nghị định 188 để phát triển nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, Dự thảo Luật Nhà ở được Chính phủ trình Quốc hội để thông qua vào kỳ họp thứ 8 này cũng có nhiều nội dung rất đổi mới, dành một chương riêng về phát triển nhà ở xã hội. Thay vì xóa bỏ bao cấp về nhà ở như trong Luật Nhà ở 2003, thì nay phải công nhận vừa phát triển nhà ở theo cơ chế thị trường, đồng thời phát triển cả nhà ở xã hội.
Trong đó, nhà nước giữ vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ để giúp những người không có đủ điều kiện mua nhà theo cơ chế thị trường nhưng vẫn có được chỗ ở. Luật Nhà ở sửa đổi dành 1 chương về nhà ở xã hội; trong đó, quy định rõ các chính sách hỗ trợ đối với những người khó khăn về nhà ở và các đối tượng trong diện được hỗ trợ như: Hộ nghèo nông thôn, người có công, sỹ quan, công nhân, công chức viên chức trong hệ thống chính trị, người lao động đô thị, công nhân khu công nghiệp, sinh viên, hộ tái định cư...”, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khẳng định.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhận định: Có khoảng 80% những người có nhu cầu về nhà ở cần loại nhà ở có sự hỗ trợ của Nhà nước. Đại bộ phận người dân hiện có mức thu nhập trung bình thấp và người lao động hiện nay nếu không có sự hỗ trợ của gia đình, người thân và nhà nước thì khó có thể mua được nhà tại đô thị theo giá thị trường. Nhà nước chủ động đề ra chính sách, đó là những hỗ trợ về tiền sử dụng đất, lãi suất tín dụng, giảm thuế... Như vậy, khi giá nhà ở giảm, nhiều người mua được nhà thì sẽ có nhiều người làm nhà ở xã hội. Cùng lúc giải quyết được phần nào nhu cầu nhà ở của người dân, đồng thời giải quyết được khó khăn của nền kinh tế, những ngành nghề liên quan đến xây dựng và nhà ở sẽ phát triển.
Trọng Thủy