Hoa đào bằng giấy của mẹ

Cứ mỗi năm khi mùa xuân đến, tôi lại bồi hồi nhớ về ký ức tuổi thơ, đó là lần đầu tiên tôi biết giúp mẹ làm hoa đào bằng giấy chưng bên bàn thờ chiều ba mươi Tết. Bây giờ, kinh tế thị trường phát triển chẳng ai chưng hoa đào làm bằng giấy nữa, mà thay vào đó là cành đào “xịn” vài trăm ngàn, thậm chí cả chục triệu đồng, hoặc chí ít là hoa ly, hoa hồng, hoa huệ, nhưng tôi vẫn thích những cánh hoa đào mẹ làm bằng giấy cách đây 25 năm về trước.


Quê tôi - một miền quê nghèo trồng cói của tỉnh Thanh. Người dân lam lũ quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, sống chết nhờ cậy vào cây cói. Dù cả năm làm quần quật nhưng bữa ăn ngày Tết chưa đầy đủ và thịnh soạn như bây giờ. Bởi vậy những gia đình nghèo ở thôn quê thuần nông như nhà tôi mua cành đào chưng bên bàn thờ ngày Tết chỉ là mơ ước. Để có hương vị ngày Tết, mẹ tôi bảo: “Nhà mình còn nghèo không có tiền mua cành đào thật. Để có hương vị ngày Tết, con đi chợ mua cho mẹ mấy tờ giấy hồng về làm hoa đào. Nhà mình có sẵn cây mận, gấp hoa đào bằng giấy gắn lên ấy là có mùa xuân”.


Đêm 29 Tết, dưới ánh đèn dầu, mẹ rọc giấy gấp hoa. Mẹ gấp từng nụ hoa đào bằng giấy khéo léo đến lạ kỳ. Vừa gấp, mẹ vừa kể cái thời còn con gái, mẹ khéo tay nhất làng. Nghề gấp, cắt hoa đào bằng giấy được ông ngoại dạy cho mẹ từ hồi nhỏ, và mẹ vẫn thường “trổ tài” gấp hoa đào mỗi khi Tết đến xuân về. Rồi mẹ kể thời bao cấp. Tết đến, nhà tôi nghèo không có tiền mua thịt, bánh chưng gói lẫn gạo nếp với hạt mì, hoặc phần gạo tẻ nhiều hơn gạo nếp. Gia đình đông con mua cho con cái áo mới, hoặc gói được cái giò mỡ đã là cố gắng.


Những cánh hoa đào thơm mùi giấy mới, mẹ cặm cụi treo lên cành mận chặt nơi cuối vườn. Dù căn nhà nhỏ đã nhiều chỗ tróc hồ, bộ bàn ghế đơn sơ bằng nhựa, bàn thờ bày biện hoa quả chẳng đắt tiền, nhưng cành đào của mẹ là điểm nhấn trong ba ngày Tết. Làng xóm đến chơi, ai cũng khen cành đào của mẹ bắt mắt sắc mầu. Ba ngày Tết qua mau, cành hoa đào của mẹ vẫn hồng khoe sắc. Mẹ nhoẻn cười: “Cành đào này tươi mãi, nhưng chưng đến mồng bảy thôi. Tết sang năm mẹ con ta lại làm nữa”. Đó là hoa đào của mẹ cách đây 25 năm về trước.


Tết Giáp Ngọ này mẹ tôi bước sang tuổi 94. Ở cái tuổi “gần đất xa trời”, mẹ vẫn còn minh mẫn. Hằng ngày mẹ vẫn đọc báo mà chẳng cần đeo kính, hàm răng đen nhánh chưa rụng cái nào, mái tóc vẫn đen như thời con gái. Tuy nhiên, mẹ chẳng làm được hoa đào nữa, một phần vì run tay không cầm được kéo, một phần vì căn bệnh viêm phế quản mạn tính hành hạ khi mùa đông giá rét tràn về.


Tết này nhà tôi cũng mua được hoa đào, hoa mai tiền trăm, tiền triệu. Tuy hoa đẹp, hoa sang, hoa nhiều tiền lộng lẫy, nhưng hoa đào bằng giấy của mẹ vẫn in đậm trong tâm trí tôi. Bởi những nụ hoa đào ấy, không chỉ chứa đầy tình yêu thương, mà còn nhắc nhở anh em chúng tôi phải biết tiết kiệm, chắt chiu khi gia đình còn nghèo khó. Những nụ hoa ấy không chỉ là “bài học nền tảng” của sự cần kiệm, mà còn là thước đo tình yêu thương của mẹ vì những đứa con.


Xuân Giáp Ngọ đang tràn về với bao niềm vui mới. Nhìn hoa đào, hoa mai khoe khắp phố phường, nhưng lòng tôi vẫn xao lòng khi nghĩ về hoa đào của mẹ. Dẫu hoa đào bằng giấy của mẹ bây giờ chỉ là dĩ vãng, nhưng ký ức tuổi thơ tôi thì chẳng phai mờ.


Mai Thắng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN