Tháng giêng hai, hoa tầm xuân nở rộ, miên man ở góc vườn, bờ rào, ven đường, bên sông.
Hoa tầm xuân có nhị vàng như kim tuyến. Cánh hoa tầm xuân có loại màu đỏ, có loại hồng, có loại trắng. Tôi mê nhất hoa tầm xuân màu trắng, cái màu trắng trong tinh khiết rung rinh trong nắng xuân, rung rinh trong gió xuân. Vậy mà từ xa xưa đã có câu ca dao: “Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc…”. Trên thực tế, không ở đâu có hoa màu xanh. Hai từ “xanh biếc” ở đây tượng trưng cho sự trẻ trung, nụ tầm xuân được ví như cô gái ở tuổi dậy thì duyên dáng, tràn đầy sức sống. Ai đó đang yêu nhìn cây, nhìn hoa xao xuyến.
Tầm xuân sống gần như hoang dã. Những khóm hoa tầm xuân bình dị bên bờ đê, bên dòng sông quê hương là sắc màu nhớ mãi một thời tuổi thơ tôi. Có lần, ông tôi bảo tôi đi cắt mấy cành tầm xuân về giâm ở góc vườn. Bụi tầm xuân ít lâu sau đã um tùm xanh tốt, những cành như dây leo vươn ra, bò lên hàng rào. Bụi tầm xuân không cần ai chăm sóc, vô tư tắm nắng mùa hè, uống sương mùa thu, để rồi khi mùa xuân đến cho những lùm hoa tươi sáng. Người ta không ai cắt cành hoa tầm xuân cắm vào trong lọ đặt lên bàn hay đặt lên ban thờ, không đem tặng bạn, nên hoa cứ nồng nàn khoe sắc trong thiên nhiên. Trở lại câu ca dao: “Em có chồng anh tiếc lắm thay” và lời cô gái trách móc: “Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không”! Hoa tầm xuân như sinh ra để chứng kiến mối tình thầm kín lứa đôi, hoa ẩn chứa nỗi niềm e ấp.
Tầm xuân có họ hàng với hồng, nhưng không có cái hương thơm nức và không có sắc đài các như hồng. Hoa tầm xuân nho nhỏ xinh xinh, đi bên bụi tầm xuân ta nhận ra mùi hương thanh bạch và nhẹ thoảng. Sống xa quê về làng, bước dọc triền đê, trong đám cỏ may ta nhận ra bông hoa tầm xuân như chờ như đợi.
Đã hàng ngàn năm tầm xuân vẫn mọc hoang dại, cành mềm, hoa mỏng vô tư thơ mộng. Có nhà trồng hoa đã ghép cành hoa tầm xuân ở đồng bằng Bắc Bộ với cành hoa hồng Đà Lạt. Vì quí, vì yêu một loài hoa dại có cốt cách khác thường.
Quỳnh Nga