Vẫn còn nhiều cựu Thanh niên xung phong (TNXP) chưa được giải quyết chính sách do hồ sơ thiếu, không còn giấy tờ gốc.
Vẫn còn nhiều bất cập
Ông Phan Phúc Võ, ủy viên thường trực Hội cựu TNXP Sơn La cho biết: Trên địa bàn tỉnh có khoảng 1.700 cựu TNXP, nhưng mới có 600 người được giải quyết chế, độ chính sách. Khó khăn nhất hiện nay là việc hoàn thiện hồ sơ chứng minh đã tham gia lực lượng TNXP, do rất nhiều cựu TNXP mất giấy tờ gốc và đơn vị cũ không còn.
Các tình nguyện viên thăm hỏi cụ Lục Thị Lý, cựu TNXP ở thôn Nà Hán, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang. Ảnh: Dương Giang – TTXVN |
Ông Nguyễn Anh Liên, Chủ tịch Hội cựu TNXP Việt Nam cho biết: “Việc thu thập thông tin chứng minh về những đơn vị cũ của TNXP khá vất vả. Đơn cử như việc đề nghị công nhận liệt sĩ và truy tặng danh hiệu Anh hùng cho 60 TNXP hy sinh tại ga Lưu Xá (Thái Nguyên), tỉnh hội đã phải đến 15 xã vùng cao và 6 tỉnh lân cận để tìm nhân chứng, thu thập hồ sơ và hàng chục lần báo cáo lên cơ quan chức năng để giải quyết”.
Ông Nguyễn Cao Vãng, Phó Chủ tịch Hội cựu TNXP Việt Nam chia sẻ: Còn một nguyên nhân nữa là việc thực hiện các chính sách cho cựu TNXP chậm một phần là do ngành Nội vụ và Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) ở các địa phương thực hiện chậm. Tại địa phương nào, lãnh đạo tỉnh quan tâm, đốc thúc, thì việc giải quyết chế độ triển khai nhanh. Do đó, Hội cựu TNXP đang phối hợp với các ngành chức năng tiến hành rà soát, tổ chức tập huấn cho cán bộ xã, phường, quận, huyện để tìm biện pháp giải quyết hợp tình hợp lý, phù hợp với lịch sử để kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền giải quyết chế độ chính sách cho các cựu TNXP, nhất là các trường hợp tồn đọng kéo dài.
Sẽ có hướng dẫn với trường hợp mất giấy tờ
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định: Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm đến công tác chăm lo đời sống của thương binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng, trong đó có cựu TNXP. Các bộ, ngành và đơn vị liên quan cần khẩn trương triển khai thực hiện hướng dẫn của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; chủ động, tích cực trong việc giải quyết tồn đọng về chính sách đối với cựu TNXP, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của cựu TNXP vừa là trách nhiệm, vừa là tình cảm đối với công lao của cựu TNXP.
Bà Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH cho biết: Toàn quốc đã xác nhận và giải quyết chế độ cho gần 6.000 liệt sĩ, 55.000 cựu TNXP hưởng chính sách như thương binh. TNXP là lực lượng đầu tiên trên cả nước được hưởng chế độ đối với người trực tiếp tham gia kháng chiến. Mặt khác, đối với những đối tượng khác thì thời gian tham gia công tác phải đủ 15 năm trở lên mới được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng, còn riêng với cựu TNXP tập trung thì không quy định thời gian công tác, mà chỉ cần không còn khả năng lao động và sống cô đơn, không nơi nương tựa, đã được áp dụng chế độ ưu đãi này.
Cùng với chế độ trợ cấp, TNXP cũng được hưởng chế độ BHYT và mai táng phí theo quy định. Tính đến nay, cả nước có 134.000 TNXP được hưởng trợ cấp một lần và gần 6.300 người được hưởng trợ cấp hàng tháng. Với những trường hợp tồn động, trong thời gian tới, Bộ LĐ,TB&XH sẽ phối hợp với Bộ Quốc phòng có Thông tư hướng dẫn việc xác nhận liệt sĩ, thương binh đối với những trường hợp bị chết, bị thương trong chiến tranh không còn giấy tờ theo quy định, trong đó có trên 8.000 TNXP bị thương và gần 700 TNXP hy sinh theo báo cáo của Hội Cựu TNXP Việt Nam. Đồng thời, Bộ sẽ phối hợp với Bộ Nội vụ và các bộ, ngành chức năng nghiên cứu đề xuất của Hội Cựu TNXP Việt Nam về việc có chính sách phù hơp với TNXP địa phương, cơ sở ở miền Nam và thanh niên xung kích phục vụ chiến đấu bảo vệ biên giới sau năm 1975 để trình Chính phủ xem xét quyết định.
Xuân Minh