Thành công của tôi như ngày hôm nay, ngoài ý chí kiên cường, không ngại khó ngại khổ của bản thân, thì thông tin báo chí là một yếu tố quan trọng. Trong hành trình xóa đói giảm nghèo, nhiều lần tôi đã vấp ngã, bế tắc, nhưng rồi chính trong một lần xem một mô hình làm ăn được đăng trên báo Tin Tức - kênh thông tin của Chính phủ, do Thông tấn xã Việt Nam phát hành, tôi đã tìm cho mình một con đường riêng", cựu chiến binh Nguyễn Văn Hùng, thôn 9 xã Tân Long, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) tâm sự.
Ông Hùng chăm sóc đàn ong. |
Trong ngôi nhà 3 tầng khang trang, đón chúng tôi là người đàn ông có dáng người cao lớn khỏe mạnh, cái bắt tay chứa đầy khí chất của người lính Cụ Hồ, cựu chiến binh Nguyễn Văn Hùng nhập ngũ năm 1978, vào tiểu đội 7, Xí Mần, chiến đấu cho mặt trận tại Xí Mần (Hà Giang). Đến năm 1982, ông Hùng phục viên về tham gia sản xuất tại gia đình. Cuộc sống của gia đình ông lúc bấy giờ cũng như bao người dân ở Tân Long, chỉ toàn đói nghèo và khó khăn. Từ làm ruộng, làm nương, đến đi làm thuê ở miền xuôi, nghề nào ông cũng thử qua, nhưng mãi không thoát khỏi cái nghèo. “Ngày ấy chiến trường mưa bom bão đạn, vẫn vượt qua, thế mà về đánh giặc đói sao khó thế, có ruộng nhưng hai vợ chồng làm mấy cũng chẳng đủ ăn”, ông Hùng chia sẻ.
Thế rồi, khi ở tận cùng của cái khó, ông nghe người ta nói về nuôi ong. Các tờ báo ông đọc hàng ngày, trong đó có tờ báo Tin Tức và một số ấn phẩm khác của Thông tấn xã Việt Nam, cũng đăng tải nhiều mô hình, những trại ong lớn ở Yên Bái, Phú Thọ. Ông Hùng quyết tâm bắt tay vào làm. Ban đầu gây dựng, ông đầu tư 20 đàn, nhưng thất bại do chưa có kỹ thuật. Mang theo hành trang là ý chí quyết tâm không ngại khó, ngại khổ, ông Hùng theo địa chỉ trên báo Tin Tức, lặn lội đến từng trại ong học cách nuôi ong. Chỉ trong vòng 1 năm miệt mài học hỏi, ông Hùng đã nắm chắc những kỹ thuật cơ bản về chăm sóc, tách đàn và chữa bệnh cho ong. Từ đó, ông gây đàn ong nào cũng thành công. Đầu năm 2015, ông đã gây được 200 đàn ong, mỗi tháng cho thu hoạch 400 lít mật, phục vụ thị trường trong và ngoài tỉnh. Tính đến nay, thu nhập từ mật ong ước đạt gần 300 triệu đồng/năm.
Hàng ngày ông Hùng vẫn dành thời gian nhất định để đọc báo. |
Xếp lại ngay ngắn tập báo trên kệ, ông Hùng chia sẻ, đọc báo trở thành thói quen của ông. Dù có bận rộn, ông cũng dành thời gian để tìm hiểu thông tin trên báo chí. Với ông Hùng, đọc báo không chỉ để biết những thông tin về chính trị, xã hội, mà còn học hỏi được những kiến thức, kinh nghiệm làm kinh tế từ những điển hình. Ông đã được biết đến nhiều gương sáng làm kinh tế, làm trang trại, đặc biệt là những mô hình kinh tế miền núi. Từ những thông tin có được cùng với thành công từ nuôi ong, ông Hùng quyết định mở rộng mô hình nuôi ong thành mô hình trang trại vườn đồi. Tận dụng diện tích đồi, nuôi ong, cải tạo đất trồng mới 1,5 ha keo, đồng thời san đất vườn để trồng hơn 200 gốc bưởi. Ông tâm sự: “Một ngày mà không đọc báo tôi thấy khó chịu lắm, nó như một công việc thường ngày mà mình phải hoàn thành, mùa nắng nóng tôi lên thăm ong xới cỏ từ sáng sớm, đến khi mặt trời lên cao thì về nghỉ là lấy báo đọc. Mình giờ có tuổi, lại bận rộn việc nhà, không đi được đâu. Tờ báo vừa là bạn, vừa là chỗ mình biết đây, biết đó. Có gì hay, chia sẻ cho anh em và bà con”.
Hiện nay, gia đình cựu chiến binh Nguyễn Văn Hùng đã xây được nhà cửa khang trang, có điều kiện để giúp đỡ bà con và các hội viên hội cựu chiến binh khác. Thời gian còn lại ông dành để đọc báo. Ông Hùng bảo: "Ti vi, loa đài đều có, nhưng khi nghe, nhìn qua lại không lưu lại được gì, trong khi báo đăng thì mình có thể lưu lại, thành kho tư liệu cho riêng mình, rất hữu ích".