Học nghề xong không có việc làm

Những năm qua, Nhà nước đã cấp vốn cho các cơ sở dạy nghề ở các địa phương. Nhưng một thực trạng mà nhiều cơ sở đào tạo nghề ở Tây Nam Bộ đang mắc phải là “cái cần không dạy, cái dạy không cần”, vì vậy mà nhiều lao động sau khi được đào tạo nghề vẫn không tìm được việc làm, hoặc phải đào tạo lại tại nơi công tác mới.

 

Chất lượng thấp


Xã Tân Hưng, huyện Long Phú (tỉnh Sóc Trăng) có khoảng 3.000 hộ dân, trong đó 60% là đồng bào Khmer, tỷ lệ hộ nghèo gần 30%.


 

Đào tạo nghề cho phụ nữ dân tộc thiểu số thực sự đã có hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương.

 

Chúng tôi tìm đến nhà chị Thạch Thị Hượl-hộ gia đình Khmer thuộc diện nghèo của ấp Ko Ko. Chị cho biết: “Tôi đã được tham gia học nghề đan giỏ bằng bẹ chuối khô 2 tháng tại xã, nhưng học xong thì không biết làm nghề này ở đâu. Hiện tôi vừa nuôi heo, vừa đi làm thuê khi có người cần”.


Nhiều học viên khác của các lớp đào tạo nghề được tổ chức trong những năm qua ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cũng chung hoàn cảnh như chị Thạch Thị Hượl. Một cán bộ ở Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bạc Liêu, cho rằng: “Một trong những vấn đề bức xúc nhất hiện nay đối với đào tạo nghề cho lao động là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn chính là không giải quyết được việc làm cho họ. Bởi chất lượng lao động sau đào tạo nghề tại các địa phương quá thấp, không đáp ứng được yêu cầu của các khu công nghiệp, thập chí các cơ sở, doanh nghiệp nhỏ ở địa phương. Mặc dù hiện những nơi này rất cần lao động đã được đào tạo”.


Trong gần 4 năm qua, hàng trăm lớp đào tạo nghề tại các địa phương ở Tây Nam Bộ đã được mở nhằm dạy những nghề cơ bản cho lao động là đồng bào dân tộc thiểu số như: Thợ mộc, thợ xây, sửa chữa xe honđa, đan lát thủ công, chăn nuôi… Một số nghề đào tạo đã phát huy hiệu quả giúp đồng bào từng bước thoát nghèo (chăn nuôi, trồng trọt, thợ mộc…), nhưng không thể phủ nhận có những nghề mới nghe qua đã thấy rất… phi thực tế như nghề tỉa cây cảnh.


Ông Lâm Văn Mẫn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Đào tạo nghề cũng cần phải căn cứ vào thực tế địa phương, vào tính chất của chính cái nghề được đào tạo. Tỉa cây cảnh đâu phải cứ qua mấy tháng học là ai cũng làm được. Nghề này chỉ có thể là nghệ nhân, ngoài yếu tố tài năng còn phải tích lũy kinh nghiệm. Hơn nữa, sự tiếp thu của đồng bào cũng có phần hạn chế. Nên việc không giải quyết được việc làm sau đào tạo là điều hiển nhiên”.


Hay đơn giản như nghề sửa chữa honđa, ngư cụ, nghe rất hấp dẫn, nhưng hầu hết các học viên được đào tạo nghề này ra lại không có việc làm. Anh Thạch Thanh Hải, ở ấp Đông Thắng, xã Đông Thắng (huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ), cho biết: “Tôi được tham gia lớp học sửa chữa xe máy tại xã, nhưng nay vẫn bám với sông nước để mưu sinh. Đã mấy lần lên huyện, lên thành phố xin việc ở các cơ sở sửa chữa nhưng thử việc được 1 ngày họ từ chối”.

 

Còn hình thức


Có thể thấy rằng, việc mở các lớp đào tạo nghề hiện nay ở Tây Nam Bộ vẫn còn hình thức, theo kiểu giao chỉ tiêu. Theo kế hoạch đã được duyệt, tỉnh giao cho huyện, huyện lại giao cho Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với các xã, cứ thấy nghề nào có vẻ “sang, lắm cơ hội” là đem áp dụng ngay cho các địa phương, mà không tìm hiểu xem nó đã thực sự phù hợp, thực sự mang lại hiệu quả cho người lao động hay không. Một trong những minh chứng cho tính hình thức trong đào tạo nghề ở khu vực này là cho đến thời điểm này gần như không có một cấp cơ sở nào thống kê được số học viên sau đào tạo nghề từ nguồn ngân sách đã giải quyết được việc làm, có thu nhập ổn định. Nhiều lớp học nghề lúc mở thì “cờ hoa rộn rã”, nhưng kết thúc lại “không kèn không trống”, do việc dạy nghề chưa đạt yêu cầu, chưa gắn với nhu cầu sản xuất.


Thiết nghĩ, các cấp ngành, chính quyền địa phương cần xem lại quy trình rà soát, điều tra thực tiễn cơ sở, từ đó dạy những nghề cần thiết, phù hợp với điều kiện dân trí, kinh tế-xã hội của địa phương. Bên cạnh nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, để nâng cao chất lượng dạy nghề, thiết nghĩ cần phải đẩy mạnh “xã hội hóa” trong công tác đào tạo nghề. Tây Nam Bộ đang hình thành những khu công nghiệp lớn, rất nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước có nhu cầu sử dụng lao động. Vì vậy, cùng với các cơ sở công lập thì cần thu hút lực lượng này tham gia vào việc dạy nghề cho lao động. Có như vậy, bài toán đào tạo nghề cho lao động mới thực sự có đáp án, và mục tiêu giảm nghèo, tiến tới xóa nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số trong khu vực mới thành hiện thực.


Bài và ảnh: Nguyễn Đức

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN