Troll - Theo tiếng lóng trên Internet là người gây rối, phá phách bằng việc cho đăng những hình ảnh mang thông điệp gây tranh cãi nhằm khiêu khích đối phương phản ứng lại. Đôi khi, troll còn là hành động mà tác giả nhằm phản ánh hiện tượng, sự kiện nào đó vừa diễn ra trong đời sống thường nhật.
Hình thức troll xuất hiện cách đây vài năm. Troll chỉ mang tính chất thư giãn là chính. Các tay troll thường lấy những khoảnh khắc hài hước của một số người nổi tiếng (đôi khi chỉ là người bình thường) được cắt từ clip, hoặc tranh biếm họa, rồi đăng bình luận trên mạng xã hội, diễn đàn website. Sự hài hước tinh tế, dí dỏm như thế rất cần cho cộng đồng mạng. Tuy nhiên do không kiểm soát được hành động của mình, nhiều cư dân mạng đã đi quá đà khiến thế giới ảo trở nên xấu xí.
Kỳ World Cup 2014 ở Brazil vừa qua là một minh chứng cụ thể. Sau những ngày đen đủi của các đội bóng mạnh như Anh, Ý, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha…, trên các diễn đàn, mạng xã hội xuất hiện hàng loạt các hình ảnh chế giễu các cầu thủ như Ronaldo, Rooney, Suarez, Neymar, Lampard… Chẳng những các ngôi sao bóng đá mà ngay cả các nguyên thủ như Barack Obama, Angela Merkel, Mariano Rajoy Brey, Giorgio Napolitano… cũng bị xúc phạm. Điều này không thể chấp nhận được.
Bởi lẽ họ vốn là người đứng đầu một quốc gia, mặt khác, họ có tuổi và cần được tôn kính. Kinh khủng hơn, các tay troll còn mượn hình ảnh bức tượng Chúa Kitô cứu thế ở Rio de Janeiro (sau khi đội tuyển bóng đá Brazil thất bại thảm hại tại World Cup 2014) để đùa giỡn. Đụng chạm đến vấn đề tôn giáo rất dễ làm tổn thương và gây phẫn nộ cho tín đồ. Vì vậy mà một số trang thông tin điện tử về Công giáo cho rằng đây là sự sỉ nhục cần phải lên án.
Troll đang trở thành trào lưu và không có điểm dừng. Bất cứ ai cũng có thể bị troll và troll một cách vô tội vạ. Nó không còn thuần túy là trò thư giãn nữa mà đã chuyển sang hướng tiêu cực, xúc phạm đến danh dự, hình ảnh người khác. Không khó để bắt gặp hàng loạt bức ảnh troll đăng trên Mạng xã hội cố tình châm chọc, khiêu khích và xúc phạm nhau nhằm thỏa mãn cá tính của mình. Từ đấy dẫn đến sự xung đột bằng những câu bình luận thiếu tế nhị, “chiến tranh troll”. Hiện nay, chủ của những website, mạng xã hội như Facebook, Zing me, Twitter… không quan tâm đến vấn đề này. Họ mặc tình để các thành viên vô tư troll. Cần lắm sự vào cuộc sớm của các cơ quan chức năng nhằm làm trong sạch thế giới mạng.
Nguyễn Hoàng Duy