Hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân: Nỗ lực can thiệp giảm thiểu tử vong

Dù chưa tìm ra nguyên nhân, nhưng mục tiêu quan trọng nhất của ngành y tế là phát hiện sớm và quản lý chặt chẽ các trường hợp có tăng men gan, viêm da dày sừng tại cộng đồng. PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã khẳng định như vậy tại Hội thảo về chẩn đoán và điều trị hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân tổ chức ngày 7/6/2012 tại Đà Nẵng.

 

Bệnh lạ vẫn diễn biến phức tạp


Báo cáo tại hội thảo, BS Đặng Thị Phượng, Giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) Ba Tơ cho biết, tính từ ca mắc bệnh đầu tiên vào ngày 19/4/2011 đến ngày 5/6/2012, tại huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) đã ghi nhận 215 ca bệnh hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân trong đó có 12 ca tử vong và 44 ca tái phát. Bệnh đang xuất hiện tại 5 xã của huyện Ba Tơ là Ba Điền, Ba Xa, Ba Tô, Ba Vinh, Ba Ngạc trong đó tập trung chủ yếu tại làng Rêu của xã Ba Điền (chiếm tỷ lệ 55,67%). Tỷ lệ nhóm tuổi mắc bệnh cao nhất là từ 15 đến 30 tuổi, chiếm trên 30%, trong đó 100% bệnh nhân mắc bệnh là người dân tộc H’re. Tình hình bệnh diễn biến phức tạp và quá tầm kiểm soát của TTYT Ba Tơ. Cứ mỗi ngày trôi qua, TTYT Ba Tơ lại tiếp tục ghi nhận ca mắc mới, ca tái phát và có ca bệnh diễn biến nặng.

 

Các y, bác sỹ Bệnh viện Ba Tơ khám sàng lọc bệnh viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân cho nhân dân tại xã Ba Điền.

Qua điều trị cho 107 bệnh nhân (trong đó 10 ca năm 2011, 97 ca năm 2012), BS Nguyễn Thanh Tân, Giám đốc Bệnh viện (BV) Phong - Da liễu TƯ Quy Hòa cho biết, sau khi được điều trị, tất cả các trường hợp đều giảm bệnh, đều được cho xuất viện. Nhưng khi trở về thì số bệnh nhân lại tái phát với tỉ lệ cao. Do bệnh phải điều trị dai dẳng, tiến triển rất chậm nhưng khi có diễn biến xấu thì lại bất ngờ, nên kinh nghiệm điều trị của bệnh viện là phải theo dõi 24/24 giờ. Ngoài những biểu hiện bệnh lý quen thuộc của loại bệnh viêm dày sừng bàn tay, bàn chân là nhanh suy kiệt, rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, tăng men gan... thì “bệnh lạ” tại Quảng Ngãi còn thêm các biểu hiện bệnh lý là giảm thị lực, thính lực và rối loạn vị giác. Do đó, BV Quy Hòa cũng lưu ý, đề nghị Bộ Y tế quan tâm, nghiên cứu thêm.


Bên cạnh đó TS Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai cũng đề nghị, trong hướng nghiên cứu về nguyên nhân gây hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân nên cần đưa thêm điôxin và arsenic vào diện xem xét những yếu tố gây mắc căn bệnh. Bởi chất độc điôxin này không chỉ có trong chất độc da cam mà còn có trong các hóa chất thuốc bảo vệ thực vật. Do vậy, đề nghị cơ quan chức năng và ngành y tế huyện Ba Tơ cung cấp các mẫu thuốc bảo vệ thực vật trong nông nghiệp mà người dân sử dụng để nghiên cứu.

 

Nỗ lực giảm thiểu tử vong


PGS.TS Trần Hậu Khang, Giám đốc BV Da liễu TƯ, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân cho biết, hầu hết các bệnh nhân ở Quảng Ngãi bị viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân không phải do nhiễm trùng. Hai biểu hiện cơ bản ở những bệnh nhân này là viêm gan và viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân, trong đó có biểu hiện của viêm gan do nhiễm độc mãn tính nhưng chưa xác định được độc chất gây hại. Qua khảo sát 124 bệnh nhân được điều trị cho thấy có tới trên 63 bệnh nhân (50,8%) tăng men gan tăng từ 2 đến 5 lần, 3 bệnh nhân tăng men gan trên 5 lần. Đáng lo ngại, nhiều bệnh nhân được điều trị ổn định ở bệnh viện, song về đến địa phương một thời gian bệnh lại tái phát, men gan tăng. Có bệnh nhân tái phát đến lần thứ ba.


Theo PGS.TS Trần Hậu Khang, ngoài phác đồ đang điều trị, Bộ Y tế sẽ bổ sung hướng dẫn điều trị hỗ trợ cải thiện chức năng gan cho người dân Quảng Ngãi, đồng thời hướng dẫn TTYT Ba Tơ lập danh sách những trường hợp có men gan tăng trong cộng đồng. Những trường hợp có tăng men gan đơn thuần và những trường hợp đã điều trị ổn định cần lập hồ sơ, khám theo dõi định kỳ, và được hướng dẫn tuân thủ tuyệt đối chế độ điều trị. Theo đề nghị của nhiều đại biểu, trong tháng 6 này, Cục Quản lý khám chữa bệnh sẽ làm việc với BV Bạch Mai và BV Da liễu TƯ để xem xét đưa một số bệnh nhân ở tỉnh Quảng Ngãi đến các bệnh viện này nhằm thuận lợi cho công tác hội chẩn, xét nghiệm và theo dõi bệnh.


Cũng tại hội nghị, ThS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, đã đưa ra kế hoạch can thiệp giảm tử vong do hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân tại huyện Ba Tơ trong năm 2012. Theo đó, giai đoạn 1 tập trung nâng cao năng lực chuyên môn cho tỉnh Quảng Ngãi và chuyển tuyến điều trị các trường hợp bệnh nặng. Các trường hợp nặng được chuyển và các tuyến cuối điều trị như BV Trung ương Huế, Bệnh viện Chợ Rẫy, BV Bạch Mai, BV Nhi Đồng 1, 2... Giai đoạn 2 sẽ triển khai điều trị tại chỗ: Bệnh nhẹ thì điều trị ở TTYT huyện Ba Tơ, nặng thì đưa về BV đa khoa tỉnh Quảng Ngãi. Bên cạnh đó, các bệnh viện tuyến trên sẽ hỗ trợ chuyên môn qua thực hiện Đề án 1816 đối với những bệnh viện gặp khó khăn trong công tác điều trị.


Lê Hảo

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN