Ngày 6/2, ngày họp đầu tiên của Hội nghị An ninh Munich lần thứ 51 diễn ra tại Munich (Đức), cuộc khủng hoảng Ukraine đã trở thành chủ đề bao trùm trong ngày đầu tiên của hội nghị.
Trong bài phát biểu của mình, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cho rằng khối này không theo đuổi chính sách đối đầu với Nga và ngay từ đầu NATO đã không có hành động nào mang tính gây hấn.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng nước chủ nhà, bà Ursula von der Leyen nhấn mạnh Nga vẫn có vai trò quyết định trong giải quyết xung đột ở Ukraine và các bên liên quan cần tìm kiếm sự cân bằng lợi ích giữa Kiev và lực lượng ly khai ở miền Đông trên cơ sở tuân thủ nguyên tắc bảo đảm toàn vẹn lãnh thổ quốc gia của Ukraine và mức độ tự trị phù hợp cho khu vực miền Đông nước này.
Nhiều nước không ủng hộ cấp vũ khí cho Ukraine
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen đã cảnh báo rằng việc cung cấp vũ khí để giúp Ukraine giao tranh với lực lượng ly sẽ “đổ thêm dầu vào lửa” cho cuộc xung đột ở quốc gia Đông Âu này.
Phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị An ninh Munich, bà Ursula tuyên bố: “Chỉ tập trung vào vấn đề vũ khí có thể đổ thêm dầu vào lửa và khiến chúng ta xa rời hơn nữa giải pháp mà chúng ta mong muốn… Ở Ukraine đã có quá nhiều vũ khí rồi”.
Trả lời phỏng vấn trong thời gian tham dự hội nghị trên, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon cũng nhấn mạnh rằng việc cung cấp vũ khí cho Ukraine, vấn đề đang được chính giới Mỹ cân nhắc, sẽ chỉ làm leo thang xung đột. Ông khẳng định London ủng hỗ nỗ lực mới của các nhà lãnh đạo Đức, Pháp nhằm cố gắng chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine.
Cùng ngày, phát biểu khi tới dự Hội nghị An ninh Munich, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cho biết ông hoàn toàn ủng hộ những nỗ lực của các nhà lãnh đạo Pháp và Đức nhằm đảm bảo một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng “trầm trọng” hiện nay ở Ukraine.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu ngày 6/2 cho biết ông đã hủy kế hoạch tham dự Hội nghị An ninh Munich nhằm phản đối sự tham dự của các đại diện của Israel trong một phiên họp về vấn đề Trung Đông.
Về vấn đề hạt nhân Iran, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif sẽ có các cuộc trao đổi quan trọng với đại diện Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức).
Hội nghị cũng sẽ thảo luận nhiều vấn đề khác như đối phó với những mối đe dọa từ không gian mạng, phát triển cấu trúc an ninh châu Âu, những thách thức xuất hiện ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
T.N(theo AFP/Reuters)