Có vẻ như dư luận thế giới phần lớn thỏa mãn với Hội nghị cấp cao Nhóm các nền kinh tế mới nổi và phát triển (G20) vừa diễn ra tại Bribane, bang Queensland của Australia dịp cuối tuần qua. Ngay cả Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng phải thốt lên: “Đây không còn chỉ là một cuộc tán gẫu” khi đánh giá về Hội nghị G20 lần này. Nhiều cam kết đã được nêu ra trong tuyên bố chung sau hội nghị, nhưng vẫn vấn đề muôn thủa của G20: liệu các cam kết đó có được thực hiện.Tiêu điểmPhải khẳng định thành công của Hội nghị G20 phần lớn là do Australia đã có một chương trình nghị sự rất khoa học và có điểm nhấn. Trong khi các nước vẫn tập trung vào các vấn đề thường nhật, Thủ tướng Australia Tony Abbott và Bộ trưởng Ngân khố Joe Hockey đã ngồi lại với nhau từ một năm trước để vạch ra chương trình nghị sự phản ánh ưu tiên của Canberra trong năm chủ tịch G20: phát triển kinh tế.
Các nhà lãnh đạo G20 tại phiên khai mạc hội nghị ngày 15/11. Ảnh: THX/TTXVN |
Trong mục tiêu kinh tế, Australia chú trọng thúc đẩy cam kết về tăng trưởng, chống trốn thuế, hiện thực hóa các mục tiêu trong vấn đề cơ sở hạ tầng. Để đảm bảo các cam kết có đường lối triển khai hiệu quả, ông Abbott đã yêu cầu mỗi nước soạn thảo một chương trình phát triển riêng (theo mục tiêu mà G20 đã đạt được từ các hội nghị bộ trưởng trước đó) cùng các sáng kiến nếu có để mang tới hội nghị và bàn thảo thống nhất. Kết quả là gần 1.000 biện pháp cải cách đã được cam kết thực hiện, trong đó 800 biện pháp là hoàn toàn mới. Rồi một trung tâm cơ sở hạ tầng toàn cầu sẽ được thành lập ở Sydney, có nhiệm vụ tư vấn về đầu tư trong khu vực tư nhân để tạo ra làn sóng đổi mới về hạ tầng cơ sở. Tóm lại, tuyên bố chung sau hội nghị cho thấy Australia đã đạt được những gì mình mong muốn.
Các cam kết chính trong tuyên bố chung hội nghị G20:
- Nâng GDP của nhóm thêm ít nhất 2%, có thể là 2,1%, trong 5 năm tới, từ đó sẽ tạo thêm hơn 2.000 tỷ USD cho kinh tế toàn cầu và tạo thêm hàng triệu việc làm.
- Xây dựng một nền kinh tế toàn cầu mạnh và có sức đề kháng tốt hơn.
- Giảm chênh lệch lao động nam nữ xuống 25% vào năm 2025.
- Nhất trí Kế hoạch hành động chống tham nhũng giai đoạn 2015 - 2016.
- Tăng cường sức mạnh của các tổ chức tài chính toàn cầu, trong đó ưu tiên tiến trình cải tổ IMF.
- Thúc đẩy chống trốn thuế bằng một “hệ thống minh bạch toàn cầu” mới.
- Chú trọng an ninh năng lượng, chống biến đổi khí hậu và phòng chống Ebola. |
Trong bối cảnh nhiều nước vẫn chưa thoát khỏi tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, có một điểm gây nhiều tranh cãi nhất tại hội nghị, đó là mục tiêu tăng trưởng GDP của khối. Trên cơ sở đánh giá của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), có nhiều ý kiến cho rằng G20 có thể cam kết mức tăng trưởng thêm 2,3% chứ không phải chỉ khoảng 2,1%. Nhưng đa số chuyên gia cho rằng mục tiêu 2,1% đã là khó thực hiện. Ngay cả Bộ trưởng Hockey cũng từng nhận định con số này chỉ nên dừng lại ở 1,8%. Nhìn chung, đa số ý kiến cho rằng mục tiêu tăng trưởng sẽ khó thực hiện nếu không có sự phối hợp hành động.
Nước chủ nhà Australia cũng bị hoài nghi về khả năng thực hiện cải cách do những khó khăn về ngân sách trong nước. Song, vẫn có hy vọng khi các nước G20 khẳng định họ có trách nhiệm với cam kết của mình và đã đề nghị IMF và OECD giám sát tiến trình hiện thực hóa cam kết thông qua các báo cáo về tiến trình cải tổ của mỗi nước. Mục tiêu cụ thể và cả đường lối phát triển đã có, vấn đề đang nằm ở ý chí chính trị của các nước trong việc có triển khai thực hiện cam kết hay không.
Đừng “nói suông”Có thể nói G20 đã đạt được những mục tiêu đề ra và nhiều hơn thế nữa nếu nhìn các nội dung được nêu trong tuyên bố chung sau hội nghị. Đó là một thành công trên lý thuyết, thực tế thì vẫn cần câu trả lời. Để hiện thực hóa được các mục tiêu trên, có lẽ lãnh đạo các nước lớn, như Mỹ, phải đi tiên phong, tạo dũng khí và quyết tâm triển khai những biện pháp cải cách mà Thủ tướng nước chủ nhà Abbott đã đề ra. Điều này là hoàn toàn có thể.
Dư luận G20 vẫn không ngớt tán dương Tổng thống Mỹ Barack Obama hay Thủ tướng Anh David Cameron ở tài hùng biện. Cái tài đó không phải chỉ là khả năng hoạt ngôn, logic, mà quan trọng là biết đi đầu, tạo sức ép và sự ủng hộ để đạt được mục tiêu của mình. Ví dụ điển hình là thỏa thuận chống biến đổi khí hậu Mỹ- Trung, cộng với tài hùng biện của lãnh đạo các nước lớn đã khiến Australia phải đưa cam kết ngoài dự kiến chống biến đổi khí hậu vào nội dung tuyên bố chung.
Trong mục tiêu chính của hội nghị là vấn đề kinh tế, không ít chuyên gia cho rằng sức mạnh kinh tế của Trung Quốc và Nga tác động không nhỏ tới hiệu quả triển khai cam kết. Đây cũng là những nền kinh tế cần đi đầu trong việc thực thi cam kết để tạo hiệu ứng lan tỏa. Khi kinh tế Trung Quốc vẫn chưa phát triển mạnh, Nga lại đối mặt với các lệnh trừng phạt kinh tế xung quanh vấn đề Ukraine, ý chí và quyết tâm chính trị của các nước này là hết sức cần thiết.
Rất nhiều hội nghị bên lề đã được tổ chức như L20, Y20, B20, C20... cùng những cuộc gặp hai, ba hay nhiều bên. Về logic thì càng nhiều hội nghị, càng nhiều vấn đề, cả lĩnh vực ngoài kinh tế, sẽ được đề cập tới. Cam kết là quan trọng, nhưng việc triển khai thực hiện các cam kết đó mới là quyết định. Dẫu sao thì việc đề ra mục tiêu và cam kết thực hiện cũng là động lực để các nước quyết tâm cải tổ. Thế giới đang chờ xem...
Đỗ Vân