Diễn ra cuối tuần này tại Singapore, Đối thoại Shangri- La lần thứ 14 tại Singapore sẽ là tâm điểm thu hút sự quan tâm của dư luận nhiều nước. Trong bối cảnh tình hình Biển Đông tiếp tục căng thẳng với những hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc như cấm đánh bắt cá, đuổi máy bay do thám Mỹ trên vùng biển quốc tế, hoạt động bồi đắp các quần đảo nhân tạo…, diễn đàn về an ninh khu vực năm nay được dự báo sẽ tiếp tục không diễn ra êm đềm, cũng như năm ngoái.
Nhiều vấn đề “nóng”Đối thoại Shangri-La là diễn đàn chính để các bộ trưởng quốc phòng, quan chức quốc phòng và quân sự cấp cao của các nước tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số nước khác thảo luận những vấn đề thời sự quan trọng nhất liên quan tới an ninh khu vực.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu tại Đối thoại Shangri-La năm 2014. Lê Hải-TTXVN |
Thế giới hiện nay đã xuất hiện nhiều “điểm nóng” bất ổn, như chính biến phức tạp tại Bắc Phi, cuộc chiến chống tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng tại Iraq và Syria, cuộc khủng hoảng tại Ukraine, Macedonia … Riêng châu Á - Thái Bình Dương, khu vực địa chiến lược quan trọng và đang có sự phát triển năng động, tiếp tục là tâm điểm thu hút các nhà đầu tư thế giới. Tuy nhiên, khu vực cũng đang phải đối mặt không ít thách thức về an ninh, với những căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên, tranh chấp chủ quyền trên Biển Hoa Đông và Biển Đông... Đây là các nhân tố ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định khu vực. Chính vì thế, Đối thoại Shangri-La lần này có ý nghĩa rất quan trọng, là nơi để các nước bày tỏ, chia sẻ quan điểm, thông tin về tình hình, chính sách của mình, cũng là nơi các quốc gia xây dựng lòng tin, tìm kiếm giải pháp hợp tác, nhất là hợp tác về lĩnh vực quốc phòng để tránh đối đầu, giảm căng thẳng, tăng cường hợp tác để xây dựng môi trường chung hòa bình, phát triển kinh tế - xã hội.
Riêng về khu vực châu Á - Thái Bình Dương, theo giới chuyên gia, nghị sự của hội nghị Shangri-La năm nay có thể là sự tiếp nối của hội nghị năm ngoái khi sau một năm, tình hình tại đây, đặc biệt là Biển Đông không có nhiều tiến triển. Trung Quốc tiếp tục có các hành động leo thang trong tham vọng bành trướng tại vùng biển này, và vấp phải sự phản ứng của các nước trong và ngoài khu vực. Với các hành động phi lý mới được đưa ra như cấm đánh bắt hải sản, bồi đắp đảo nhân tạo, cấm máy bay nước ngoài bay trên vùng biển quốc tế… Bắc Kinh đang khiến Biển Đông “dậy sóng”.
Biển Đông là một tâm điểmCác nhà phân tích khu vực dự đoán cũng như năm ngoái, tại hội nghị năm nay, vì những hành vi thiếu thân thiện của mình Bắc Kinh sẽ khó tránh khỏi sự phê phán, chỉ trích của các nước tham dự diễn đàn an ninh quan trọng và có uy tín nhất ở châu Á - Thái Bình Dương này.
Cách đây một năm, hiếm có hội nghị Shangri-La nào mà đoàn đại biểu Trung Quốc rơi vào thế bị động và tỏ ra đuối lý trước những lời chỉ trích và chất vấn trực diện của những người tham dự. Trưởng đoàn Trung Quốc, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc Vương Quán Trung đã không thể giải thích rõ ràng về cái gọi là “đường 9 đoạn” mà Bắc Kinh “vẽ ra” trên Biển Đông. Tuy nhiên, không vì thế, Trung Quốc bớt phần hung hăng khi nói rằng các chỉ trích của đoàn Nhật Bản và Mỹ là “không thể chấp nhận được” và là “hành động khiêu khích nhằm vào Trung Quốc”. Thái độ này của đoàn Trung Quốc đã phá hỏng bầu không khí hợp tác, đối thoại để giải quyết bất đồng của hội nghị.
Shangri-La 2014 đánh dấu cam kết của Nhật Bản đối với các nước thành viên thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong việc đảm bảo an ninh tại các vùng biển và bầu trời, cũng như việc duy trì tự do hàng hải và tự do hàng không dân sự. Khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khẳng định chủ trương Tokyo sẽ đóng vai trò lớn hơn và tích cực hơn trong việc đảm bảo hòa bình tại châu Á cũng như trên thế giới.
Ông đồng thời nêu bật tầm quan trọng của luật pháp quốc tế và ba nguyên tắc liên quan tới luật biển, đó là các quốc gia tuyên bố chủ quyền trên cơ sở luật pháp quốc tế, các quốc gia không được sử dụng vũ lực để giành chủ quyền và các quốc gia phải giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình. Thủ tướng Abe nêu rõ: “Chính phủ (Nhật Bản) ủng hộ mạnh mẽ những nỗ lực của Philippines trong việc kêu gọi giải quyết tranh chấp tại Biển Đông thực sự phù hợp với ba nguyên tắc đó” và “Chúng tôi cũng ủng hộ những nỗ lực của Việt Nam trong việc giải quyết những vấn đề thông qua đối thoại”. Ông kêu gọi ASEAN và Trung Quốc sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Việt Nam kiên định lập trườngTham dự cuộc đối thoại, Đoàn đại biểu quân sự cấp cao của Việt Nam do Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, làm trưởng đoàn dự kiến sẽ có những đóng góp tích cực và thiết thực.
Đối với các vấn đề tại Biển Đông, chủ trương nhất quán của Việt Nam là giải quyết bằng biện pháp đối thoại, hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế, Công ước về Luật Biển năm 1982 cũng như Tuyên bố của các bên ở Biển Đông (DOC). Việt Nam hết sức kiềm chế, không sử dụng vũ lực và không đe dọa dùng vũ lực. Xung đột xảy ra sẽ là thảm họa cho cả khu vực, ảnh hưởng đến giao thương, hoạt động hàng hải, hàng không, đến kinh tế chung của các nước. Lập trường này của Việt Nam luôn được các nước chia sẻ, hoan nghênh, đồng tình.
Mới đây nhất, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình khẳng định những hoạt động tôn tạo, mở rộng đảo, đá mà Trung Quốc đang tiến hành đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông, gây lo ngại sâu sắc trong cộng đồng quốc tế, trong đó có ASEAN. Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình ở Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982.
Những hành động mới nhất của Trung Quốc đã đặt ra những thách thức không nhỏ đối với tình hình an ninh châu Á - Thái Bình Dương. Vì vậy, Đối thoại Shangri-La chắc chắn sẽ trở thành diễn đàn thể hiện nhiều quan điểm mạnh mẽ ủng hộ nền hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực
Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á được tổ chức thường niên tại Khách sạn Shangri-La ở Singapore kể từ năm 2002, bởi Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) - một trong những tổ chức nghiên cứu chiến lược hàng đầu thế giới. Hội nghị ngày càng được đánh giá cao, trở thành diễn đàn của các cuộc thảo luận tích cực và thẳng thắn về những vấn đề an ninh chính giữa các nước trong và ngoài khu vực.
Phương Hồ